Thứ hai 25/11/2024 00:23

Lan toả những giá trị văn hóa tốt đẹp 'chân - thiện - mỹ' của dân tộc

Đây là mong muồn của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến những người làm truyền hình tại lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41, tối 18/3, tại TP.Hải Phòng.

Tham dự lễ bế mạc còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các đài truyền hình, đơn vị sản xuất chương trình truyền hình, cùng đông đảo cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực truyền hình…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các tác phẩm truyền hình đã vun đắp, làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người Việt Nam nhân cách, trách nhiệm, hội nhập - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình các tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị sản xuất truyền hình và TP. Hải Phòng đã tổ chức rất thành công sự kiện quan trọng này sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Vun đắp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với lợi thế kết hợp cả hình ảnh và âm thanh, truyền hình tiếp tục là một trong các loại hình truyền thông có sức ảnh hưởng trực tiếp và lan tỏa rộng rãi nhất.

Từng bản tin, chương trình và các tác phẩm truyền hình đã mang đến cho khán giả trong nước và quốc tế nhịp đập, hơi thở của đời sống xã hội Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, anh dũng cho toàn quân, toàn dân trong công cuộc kháng chiến; tạo nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo cho sự nghiệp dựng xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng thời, trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, các tác phẩm truyền hình đã vun đắp, làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người Việt Nam nhân cách, trách nhiệm, hội nhập.

Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, trong nhiều năm qua, những người làm truyền hình trên cả nước đã mang đến các tác phẩm truyền hình chất lượng cao, giá trị tốt, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả trong và ngoài nước.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương dự lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Trải qua 41 kỳ, Liên hoan Truyền hình toàn quốc đã trở thành ngày hội của những người làm truyền hình trên cả nước, là diễn đàn hữu ích dành cho những người làm báo hình nói riêng và báo chí nói chung cùng trao đổi, học hỏi, chia sẻ, tăng cường tình đoàn kết, đồng thời được khán giả cả nước mong đợi.

Sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, Liên hoan truyền hình toàn quốc đã trở lại với nhiều ấn tượng to lớn, quy tụ số lượng tác phẩm tham gia tranh giải cao kỷ lục, gồm 714 tác phẩm với 11 thể loại và được thể hiện đa dạng, phong phú trên nhiều nền tảng, phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.

Đây là minh chứng sống động cho thấy ngành truyền hình Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, bắt kịp với xu thế toàn cầu nhưng vẫn giữ được nét độc đáo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Vàng cho phim truyền hình xuất sắc nhất; nam, nữ diễn viên phim truyền hình xuất sắc nhất - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Các tác phẩm tham gia Liên hoan đã bám sát các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở cuộc sống, mang đậm bản sắc vùng miền, được xây dựng công phu, chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa, tác động tích cực trong đời sống xã hội.

Những hình ảnh, âm thanh trong các tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận xã hội, phản biện xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những người làm báo hình có bản lĩnh, ý chí, quyết tâm rất cao, dám dấn thân trong điều kiện tác nghiệp ngặt nghèo, khó khăn, thậm chí nguy hiểm.

"Có những tác giả, tác phẩm được lựa chọn để vinh danh, nhưng còn rất nhiều tác giả, tác phẩm truyền hình khác vẫn đang làm công việc thầm lặng để đóng góp chung cho đất nước trong giai đoạn khó khăn thời kỳ dịch COVID-19", Phó Thủ tướng nói và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ những người làm báo hình, các tổ chức, cơ quan báo chí trên cả nước đã đồng hành, cổ vũ, tạo đồng thuận xã hội, cùng đất nước, nhân dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các tác phẩm tham dự liên hoan sẽ tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội và động lực sáng tạo cho đội ngũ làm báo chí, đặc biệt là báo hình.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang trao giải Vàng thể loại Phim tài liệu

Xứng đáng là những sứ giả sức mạnh mềm của Việt Nam

Phó Thủ tướng cũng trao đổi về những cơ hội, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức của truyền hình trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước hiện nay.

Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo và hội nhập của đội ngũ người làm báo hình của Việt Nam để khẳng định vị thế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và thị hiếu ngày càng cao của khán giả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các loại hình thông tin, truyền thông, đặc biệt là từ nước ngoài.

Kinh nghiệm thành công trong thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu của các nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới chính là phát huy đầy đủ vai trò quan trọng và ưu thế của truyền hình trong việc tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Hơn bao giờ hết, những người làm báo hình Việt Nam cần ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam; mang những giá trị văn hóa tốt đẹp "chân - thiện - mỹ" của dân tộc đến với khán giả trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Một mặt, góp phần giữ gìn và bồi đắp nền văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam mới trong kỷ nguyên số, xã hội số và văn hóa số, mặt khác thúc đẩy văn hóa, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam ra với thế giới.

Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu trao giải Vàng cho các tác phẩm truyền hình thuộc thể loại Tiếng dân tộc thiếu sổ, Đối thoại - Tọa đàm, Chuyên đề - Khoa giáo - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phát triển truyền hình thành ngành công nghiệp hiện đại

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; quan tâm đầu tư, khơi thông các nguồn lực xã hội, phát triển không gian văn hóa sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, đãi ngộ, tôn vinh tài năng và cống hiến.

Tạo lập môi trường để những người làm văn hóa, nghệ thuật, trong đó có truyền hình, phát huy sức sáng tạo có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; phát triển truyền hình thành ngành công nghiệp hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

"Với sự trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ nghiệp vụ chuyên môn ngày càng chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên làm truyền hình luôn bám sát hơi thở của cuộc sống; tận dụng tối đa những chất liệu, công nghệ mới để có những sản phẩm với chất lượng cao, có tầm vóc, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả.

Đồng thời, hoàn thành sứ mệnh là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và nhân dân; phát huy sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp ngày càng hiệu quả vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền cảm hứng, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng", Phó Thủ tướng tin tưởng và mong muốn những người làm truyền hình Việt Nam không ngừng lớn mạnh, luôn giữ được lửa nghề, tâm sáng, bút sắc, tiếp tục "Tôn vinh đam mê, khuyến khích đổi mới, cập nhật xu hướng", mang tới những sản phẩm tốt nhất cho khán giả.

baochinhphu.vn
Bài viết cùng chủ đề: Văn hoá

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Công nhận Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thị trường đồ trang trí Noel 2024: Đa dạng mẫu mã, không biến động giá

Cà Mau: Khai mạc Hội đua vỏ lãi tại thị trấn biển lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị tri thức trong đời sống

Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cà Mau: Khánh thành công trình xây dựng Cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sắp diễn ra triển lãm tranh 'Tôi vẽ Hà Nội' và sự thăng hoa ngành công nghiệp văn hóa đương đại

Họa sĩ Quỳnh Thơm: Kết nối giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Sắp diễn ra Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024

Hà Nội nên có thêm Phố “Hàng Phở” hoặc Phố “Phở Gánh”

Phú Thọ: Tu bổ di tích Đình Hội

Phát huy nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Ra mắt cuốn sách ‘Logistics - Hành trình khát vọng’

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Tối nay (7/11): Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Quảng Nam: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trác

Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai, Gia Lai

Gia Lai: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch TP. Pleiku năm 2024