Thứ ba 19/11/2024 08:27

Lai Châu: Biến đồi hoang thành trang trại màu mỡ

Ðến bản Giẳng, xã Mường Tè (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), hỏi trang trại nhà ông Pha - bà Chức, ai cũng biết. Nhưng từ trung tâm bản Giẳng lên được đến trang trại của hai ông bà lại không hề đơn giản…

Thu cả trăm triệu từ giống quýt địa phương

Sau khoảng 20 phút đi bộ, hết lên dốc, xuống dốc, qua cầu treo, men rừng rồi lại lên dốc…, trang trại của ông Vùi Văn Pha đã hiện ra trước mắt. Gọi đến câu thứ 3 thì thấy tiếng ông Pha đáp lại từ trên đồi cao. Một lát sau, hai ông bà, mỗi người một gùi quýt trên vai đã xuất hiện. Bà Lù Thị Chức hồ hởi: “Có khách đặt mua quýt, chúng tôi đang đi hái để kịp chuyển về thị trấn” - vừa nói, bà Chức vừa bóc quýt mời khách. Hỏi chuyện về trăm gốc quýt đang mùa thu hoạch với những trùm quả lúc lỉu, ông Pha kể: Gần chục năm trước, ở bản Giẳng có 2 cây quýt, ăn thấy ngon nên ông xin hạt và chiết cành để mang lên đây trồng. Từ chục cây ban đầu, nay trang trại của ông đã có cả trăm cây, đều đang trong giai đoạn cho trái. Với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, sản lượng khoảng 3 tấn quýt/năm, mỗi năm gia đình ông Pha thu cả trăm triệu đồng từ tiền bán quýt.

Ông Pha tự tay chăm sóc vườn quýt đang vào mùa thu hoạch

Được biết, bản Giẳng, thậm chí là ở cả xã Mường Tè, các loại cây ăn quả không nhiều, nên vườn quýt của gia đình ông Pha được xem như “của hiếm”. Nhà nào có đám cưới, mừng nhà mới, hoặc làm quà cho khách phương xa, đều đặt mua quýt của nhà ông Pha. “Quýt trồng trên đồi cao, chỉ chăm bón bằng phân trâu, bò. Đến ngày chín là hái trên cây xuống cho khách. Khách yên tâm là “quả sạch” nên người nọ lại mách người kia đặt mua” – ông Pha chia sẻ.

Cùng với hàng trăm gốc quýt, trang trại diện tích gần 10 héc-ta của ông Pha, bà Chức còn là nơi trồng sắn, lúa, chăm nuôi cả trăm con gà đồi, 4 con trâu và đàn lợn giống. Chỉ cho tôi xem những bao thóc chất ngất ngưởng trong nhà, bà Chức nói: Sắn và thóc thu hoạch ở trang trại chỉ để nuôi gà, lợn thôi, không phải đi mua thức ăn cho chúng bao giờ. Muốn gà bán, gọi điện thoại là có người lên tận nơi mua, giá 170.000 – 180.000 đồng/kg. Dứt lời, bà Chức quăng nắm thóc, hàng trăm con gà lớn, bé từ đâu chạy về quây kín dưới chân ngôi nhà gỗ…

Ngoài trâu, lợn, gà, trang trại của ông Pha còn có ao thả cá, cùng vài chục con vịt, thả nuôi. Cần mẫn, tích cực lao động mỗi năm ông Pha, bà Chức cũng có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ trang trại.

Ðất không phụ công người

Có được trang trại như ngày hôm nay là cả hành trình dài của gia đình ông Pha. “Trước đây, khi chuyển đổi từ đất tập thể sang cá nhân, khu trang trại nhà tôi hiện nay thuộc quả đồi cao, không có lối lên nên không ai muốn nhận. Khi nhận đất, tôi đã tìm cách mở đường, mua dây cáp, xẻ gỗ làm cầu qua suối…” – ông Pha nhớ lại. Sau những ngày đào đất mở đường; từ những con gà, cây quýt giống đầu tiên, đến nay ông Pha, bà Chức đã có thể an tâm với những gì mà ông bà đang tạo dựng. Ba người con của ông bà cũng theo gương bố mẹ, chăm chỉ lao động để xây dựng cuộc sống riêng ổn định trên chính quê hương.

Bà Chức bên đàn gà được nuôi thả tự nhiên

Trong lúc cùng là người dân tộc Giáy như ông Pha, bà Chức, nhưng nhiều hộ ở xã Mường Tè vẫn còn thuộc diện hộ nghèo, lo ăn từng bữa; thì với ông bà, thu nhập từ trang trại đủ để ông bà có cuộc sống no đủ. Vậy nhưng, nói về những gì đã làm được, ông Pha chia sẻ giản dị: “Mình cũng bình thường như bao người khác, người ta làm ruộng, bắt cá thì mình trồng cây, người ta đi săn thì mình đào sắn, nuôi trâu… Nhưng quan trọng nhất vẫn là thật chăm chỉ và hết lòng vì công việc. Như việc trồng quýt, nhiều người bảo tôi chỉ cách trồng, nhưng khi trồng, họ lại không chịu vun xới, bón phân, chằng chống… nên mùa vụ thất bát, chất lượng quýt không ngon. Thế là mọi người nản…”.

Nhìn ông Pha, bà Chức cùng nhau lao động, nói về nhau ân cần mà trìu mến…, thấy yêu hơn những người lao động cần cù – những người bằng sức mình và tình yêu với đồng đất quê hương, đã có thể làm cho “đất nở hoa” ngay trong cả những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Hoàng Mai
Bài viết cùng chủ đề: Lai Châu

Tin cùng chuyên mục

Thương nhớ Nậm Kéng

Người giữ lửa nghề thủ công truyền thống

Trao 600 suất quà cho người nghèo Xín Mần trong chương trình “Xuân biên cương, ấm lòng dân bản”

Bàn giải pháp thoát “lõi nghèo” cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Đêm hội “Trăng thu biên cương” tại xã Mồ Sì San

Quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn đến người tiêu dùng Thủ đô

Lan tỏa mạnh mẽ “tuyệt kỹ” của đồng bào dân tộc thiểu số Mông trắng

Tinh xảo kỹ thuật thêu ghép vải trổ thủng của đồng bào dân tộc Hmong trắng

Xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Doanh nghiệp cần xác định rõ điểm mạnh, yếu

Tọa đàm: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ miền núi

Lan tỏa nghệ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ dân tộc Hmong hoa

Yên Bái: 66.200 lượt hộ nghèo địa phương đã thoát nghèo

Tuyên Quang: Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để giảm nghèo bền vững

Cần có Nghị quyết mới về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững

Cần nhiều hơn chính sách ưu tiên cho phát triển tiểu thủ công nghiệp

Cải thiện sinh kế, bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cargill khánh thành và bàn giao năm điểm trường mới tại khu vực miền núi phía Bắc

Khởi động dự án “Ngôi làng hy vọng” năm 2023 cho người dân tộc khó khăn tại Hòa Bình

Cao Bằng: Phát triển mô hình hợp tác xã giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

Chương trình “góp cây tạo sinh kế” hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số