Thứ hai 25/11/2024 12:41

Kỹ sư Đinh Văn Chờ - “Cây sáng kiến”, thần tượng của bao thế hệ Nhiệt điện Phả Lại

29 năm gắn bó với Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Kỹ sư Đinh Văn Chờ đã có rất nhiều sáng kiến mang lại lợi ích kinh tế cho công ty.

Vẽ lên Sơ đồ nhiệt chi tiết Tuabin dây chuyền 2

Chỉ còn gần tháng nữa là đến tuổi về hưu, nhưng kỹ sư Đinh Văn Chờ - kỹ thuật viên phụ trách thiết bị tua bin ở dây chuyền 2 vẫn nỗ lực hàng ngày kiên định với công việc của mình. Ông cần mẫn theo dõi quá trình vận hành của các tổ máy; lập kế hoạch cho quá trình vận hành, tính toán đảm bảo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật để vận hành an toàn; lập kế hoạch sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cũng như sửa chữa lớn. Ngoài ra, ông cũng cùng đơn vị mình tham gia một số công tác khác như: đấu thầu, mua sắm vật tư…

Kỹ sư Đinh Văn Chờ - người giữ trọn niềm đam mê với ngành điện và đã có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích kinh tế cho Nhiệt điện Phả Lại

Đáng chú ý, ông là một người vô cùng sáng tạo và luôn tìm tòi để tìm ra sáng kiến cải thiện công việc hàng ngày. Trong quá trình công tác, ông đã có khoảng 6 – 7 sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo sự vận hành an toàn cho các tổ máy của Nhiệt điện Phả Lại.

Ông đã trở thành tấm gương được nhiều thế hệ kỹ sư công ty ngưỡng mộ bởi một sáng kiến đem lại rất nhiều lợi ích. Đó là thời điểm khi tiếp quản dây chuyền 2, có 1 công nghệ mới mà rất nhiều công nhân chưa nắm bắt được. Là người được học bài bản về kỹ thuật nên ông luôn cố gắng tìm hiểu.

“Kỷ niệm lớn nhất là tôi không cần sự trả công của công ty mà đã tự mình đã cố gắng mấy tháng trời để vẽ nên Sơ đồ Nhiệt chi tiết Tuabin dây chuyền 2, tổng hợp lại tất cả công nghệ trong tổ máy. Từ đó, bản sơ đồ nhiệt chi tiết tổng hợp từ khoảng 60 bản A3 của nhà thầu đã được ra đời. Bản sơ đồ này giúp công nhân vận hành tìm ra vị trí của những thiết bị họ cần thao tác. Trong thực tế, có những đường ống đi chồng chéo lên nhau và bọc kín, công nhân không tìm được. Công nhân nhìn vào sơ đồ có số van sẽ biết được vị trí” – ông Đinh Văn Chờ lý giải.

Đặc biệt, tất cả công việc đó được ông làm hoàn toàn ngoài giờ. Cứ ban ngày làm việc ở công ty, ban đêm về nhà làm, ròng rã khoảng 4 tháng ông mới hoàn thành. Sau đó là thời gian căn chỉnh, hiệu chỉnh, in thử… mất cả năm trời.

Đáng chú ý, việc khó khăn nhất để hoàn thành bản vẽ này chính là vẽ trên Autocad nhưng in thử thì phải in ở máy in A4, in thành 16 bản rồi ghép lại với nhau, sau đó căn chỉnh. Những việc này đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, lòng đam mê và sự mày mò tìm hiểu kỹ lưỡng mới giúp kỹ sư có thể hoàn thành.

Ông chia sẻ: “Sơ đồ nhà thầu cung cấp là cả một tập dày giấy A3, để mở ra xem thì rất khó khăn, phải biết những điểm đấu nối, có khi từ trang 1 đến trang 10 mới đấu nối với nhau. Tôi mong muốn anh em công nhân làm việc dễ dàng hơn, nhất là những công nhân mới nên đã không tiếc thời gian để hoàn thành công việc”.

Sau khi bản sơ đồ được ông làm xong, thông qua lãnh đạo phân xưởng, phó tổng giám đốc, được sự đồng ý của lãnh đạo, Công ty mới in bản chính thức để phát hành. Sau khi phát hành, ông không yêu cầu công ty bồi dưỡng quá trình biên soạn. Tuy nhiên, năm đó, ông đã được vinh danh Lao động tiên tiến xuất sắc. Đặc biệt, bản vẽ mang lại hiệu quả lớn cho các kỹ sư nhiệt điện và ông cũng trở thành tấm gương lao động được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là thần tượng của biết bao thế hệ công nhân trẻ của công ty.

Không ngừng sáng tạo

Ngoài sáng kiến kể trên, ông còn rất nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao như Sử dụng nước làm mát công nghiệp thay cho nước làm mát tuần hoàn. Cụ thể, về quy trình vận hành, khi ngừng khối để sửa chữa, yêu cầu thiết bị Tuabin phải nguội hoàn toàn mới ngừng được hệ thống nước tuần hoàn, tiếp tục làm việc được. Thời gian hệ thống nước tuần hoàn bắt buộc phải duy trì là từ 8 đến 10 ngày. Điều này đồng nghĩa là tổ máy phải kéo dài thời gian ngừng phát điện. Để giải bài toán hiệu quả và khắc phục việc đó, tôi đã đưa ra sáng kiến sử dụng nước công nghiệp thay thế nước tuần hoàn, giúp hệ thống nước tuần hoàn ngừng sớm được 3 ngày để xử lý những việc liên quan và đưa 2 tổ máy vào vận hành sớm 3 ngày so với kế hoạch. Thời điểm đó là năm 2005, việc áp dụng sáng kiến tính ra giá trị làm lợi khoảng hơn 4 tỷ đồng/năm” – ông Đinh Văn Chờ chia sẻ.

Hoặc sáng kiến nâng cấp hệ thống máy nén khí Đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu đưa ra các giải pháp nâng cao độ tin cậy của hệ thống khí nén đo lường và điều khiển dây chuyền 2”. (Đề tài được tham dự: Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008-2009). Khi đó, nhà thầu lắp đặt có 2 máy nén khí đo lường, nhưng trong quá trình vận hành không đáp ứng được, thường xuyên xẩy ra hiện tượng quá tải hệ thống khí nén đo lường, ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn các tổ máy. Ông đã đề xuất lắp thêm 1 máy đấu nối vào hệ thống, từ đó các tổ máy vận hành an toàn, tin cậy, công suất ổn định hơn.

Quang cảnh cổng đi vào của Nhiệt điện Phả Lại

Hay Sáng kiến: “Thiết kế, gia công và lắp đặt bộ ống lồng thay thế các bộ giãn nở đường hơi chèn vào và ra các gối hạ áp tuabin 5 và tuabin 6” cũng được đánh giá rất cao. Cụ thể, Tuabin dây chuyền 2 Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là tuabin hơi nước kiểu 270T 422/423 với công suất định mức 300 MW do hãng GE của Mỹ chế tạo. Tuabin được thiết kế lắp đặt các gói chèn hơi tại các đầu trục không cho hơi rò ra ngoài không khí (từ tuabin cao-trung áp) và không cho không khí lọt vào bình ngưng (qua các gối đỡ tuabin hạ áp). Các gói chèn được cấp hơi từ hệ thống hơi chèn trục có áp suất 0,25 kG/cm2 và nhiệt độ từ 1150C đến 1350C. Hơi thoát từ các gói chèn được thoát ra nhờ các quạt hút hơi chèn.

Đường ống hơi chèn vào và ra ở các gói chèn gối 3 & 4 (tuabin hạ áp) được đặt trong bình ngưng. Trên các đường ống này lắp các bộ giãn nở, đảm bảo đường ống dịch chuyển được khi có sự giãn nở về nhiệt. Bộ giãn nở được chế tạo bằng thép lá (có tính năng đàn hồi cao) tạo thành 09 gân giãn nở. Bộ giãn nở này do GE (Mỹ) chế tạo, ký hiệu: EP-MICROFLEX.INC – MF 25787. Do đặt trong bình ngưng vùng làm việc có độ ẩm lớn, có sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất giữa phía trong và phía ngoài cao nên ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của bộ giãn nở. Bên cạnh đó, các bộ giãn nở gối 4 tuabin 5 đã bị rách, hơi chèn vào gói chèn không đảm bảo, không khí lọt vào nhiều làm cho chân không bình ngưng tăng, ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì vận hành an toàn kinh tế của tổ máy. Thời điểm đó trong kho vật tư không có bộ giãn nở dự phòng, nên nếu đặt mua của nước ngoài sẽ phải mất khoảng 3 – 4 tháng.

Để đảm bảo cho việc khắc phục sự cố kịp thời, ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu, đưa ra thiết kế, đề nghị và đã được Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả lại đồng ý cho thay thế bộ giãn nở trên đường hơi chèn vào ra các gối hạ áp tuabin 5 của GE bằng bộ ống lồng có chức năng dịch chuyển.

Sau khi lắp đặt và đưa vào vận hành (từ 17/6/2008) bộ ống lồng đã làm việc tốt đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu của tuabin. Việc lắp đặt bộ ống lồng dịch chuyển thay thế bộ giãn nở của GE giúp tiết kiệm thời gian và chi phí mua thiết bị của GE (Mỹ). (Bộ giãn nở của GE có giá hơn 20.000 USD, còn bộ giãn nở kiểu ống lồng chỉ chi phí hết khoảng 1 triệu VNĐ); Đảm bảo tăng độ tin cậy của hệ thống, chống được các tác động dẫn tới hư hỏng (Bộ dãn nở của GE thường gặp); Giảm được chi phí sửa chữa; Khắc phục hoàn toàn việc phải ngừng tổ máy để sửa chữa sự cố hệ thống hơi chèn mà chỉ thực hiện kiểm tra bảo dưỡng trong các kỳ trung tu hoặc đại tu.

Sáng kiến đã tiết kiệm tiền mua thiết bị nhập ngoại khoảng 2,5 tỷ đồng. Đồng thời ông vinh dự được cử đi tham dự: Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ VI (năm 2008-2009), đạt Giải Khuyến khích.

Cả tuổi trẻ gắn bó với Nhiệt điện Phả Lại để cùng tạo ra dòng điện sáng muôn nơi, đã đến tuổi về nghỉ chế độ, ông vẫn không ngừng nỗ lực hàng ngày. Với mong muốn sự nỗ lực, sáng tạo của mình sẽ truyền động lực cho thế hệ kỹ sư trẻ không ngừng cố gắng để đưa công ty ngày càng phát triển.

Kim Tuyến
Bài viết cùng chủ đề: Nhiệt điện than

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Phú Thọ: Chủ tịch hội nông dân xã đầu tư tiền tỉ để chế biến, tìm đầu ra cho quả bí đao

Tình người lan tỏa từ 'khu chợ 0 đồng' của chàng trai một chân tại Bình Dương

Cô gái người Dao nuôi khát vọng xây dựng ngành dược liệu Việt vươn tầm quốc tế

Thủy điện Quảng Trị: Anh Nguyễn Trí Thức - Người lãnh đạo gương mẫu, tận tâm

Hỗ trợ người nghèo tham gia ‘lưới’ an sinh: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Người phụ nữ nuôi tham vọng đưa hạt sachi Việt Nam ra thế giới

Lai Châu: Lực lượng Cảnh sát cơ động 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát'

Thừa Thiên Huế: Người kỹ sư điện với cách làm ‘dân vận khéo’

Đồng Nai: Minh 'râu' bán rau và hành trình tặng rau miễn phí cho công nhân

Thanh Hóa: Già làng Thao Văn Sếnh hơn 30 năm bảo vệ giữ gìn cột mốc biên cương

Gia Lai: Dự án 'Hy vọng' ươm mầm cho tương lai trẻ nghèo vùng Chư Prông

Từ việc học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất: Giáo dục đạo đức cho con trẻ rất quan trọng

Quán cơm 0 đồng giúp đỡ người nghèo của chàng trai kinh doanh cho thuê xe ở Đắk Lắk

Nhóm kỹ sư AI Works và việc phát triển sản phẩm phục vụ ngành dầu khí

Nhân viên Điện lực Lâm Đồng trả lại 300 triệu đồng cho người chuyển nhầm tài khoản

Những người hùng thầm lặng ngày đêm bám ‘cung đèo tử thần’ giúp người gặp nạn ở Kon Tum

Quảng Ninh: Trung úy công an trả lại tiền, vàng nhặt được khi tuần tra cho một phụ nữ đánh rơi