Bạc Liêu: Trưng bày sách chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám Xây dựng mô hình thư viện cơ sở 14 tỉnh phía Bắc Quảng Nam: Khánh thành thư viện số và phòng học STEM |
Hành trình hiện thực hóa ước mơ
Hoàng Quang Khải sinh năm 1996, sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2015, anh lên đường nhập ngũ. Những ngày trong quân ngũ đã rèn luyện cho Khải thói quen đọc sách, bởi vậy, Khải đã ấp ủ mở một thư viện miễn phí cho mọi người. Năm 2017, Khải ra quân trở về địa phương làm công nhân cho một nhà máy và ngay lập tức bắt tay thực hiện mơ ước của mình.
Ý định lập thư viện của anh gặp khó khăn do lương công nhân lúc ấy chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện ước mơ, mỗi tháng, Khải đều dành ra một vài triệu đồng để mua sách. Để sưu tầm được nhiều sách hay, giá hợp lý, Khải đã lên TP. Hà Nội, tìm đến các địa chỉ, hội sách để mua được sách giảm giá.
Khải kể lại: "Thời gian đó, những ngày cuối tuần em thường bắt xe lên Hà Nội, sau đó rong ruổi khắp các con phố hay bán sách cũ như đường Láng, đường Phạm Văn Đồng, rồi các nhà sách khu vực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mặc dù là sách cũ nhưng em đều lựa chọn rất kỹ, nội dung phải phù hợp với các bạn trẻ, sách tuy cũ những phải sạch sẽ...".
Sau hai năm dành dụm, tiết kiệm, năm 2019, Khải đã tận dụng ngôi nhà của bà nội cho mượn và cho ra đời thư viện với diện tích gần 20m2 với gần 1.000 đầu sách các loại. Thư viện được Khải đặt tên là Happiness (niềm hạnh phúc) với mong ước thư viện của mình có thể giúp lan tỏa văn hóa đọc tại quê hương.
Từ khi có thư viện, nơi đây trở thành điểm hẹn của các bạn học sinh ham đọc sách. Những kiến thức từ thư viện Happiness mang lại vô cùng phong phú, các bạn trẻ rủ nhau cùng đọc, nghiên cứu khiến cho văn hóa đọc lan tỏa khắp một vùng quê.
Em Nguyễn Văn Tuấn, 12 tuổi ở thôn Đoan Khuê, xã Lạc Đạo cho biết: "Lúc đầu, em được bạn rủ đến thư viện của anh Khải để đọc sách, càng đọc em càng thấy thích, đặc biệt là những cuốn sách nói về lịch sử. Lâu dần cảm thấy thời gian đọc ở thư viện là không đủ em đã mượn anh Khải mang về nhà đọc. Những cuốn sách giúp em hiểu thêm về quê hương, đất nước và truyền thống đánh giặc vẻ vang của cha ông ta."
Nhận thấy đam mê của Khải và hiệu quả đã mang lại cho các bạn trẻ, Trung tâm Văn hóa-Truyền thanh huyện Văn Lâm phối hợp với Thư viện tỉnh Hưng Yên đã luân chuyển hơn 200 đầu sách các loại đến thư viện của tôi, góp phần giúp thư viện có các đầu sách mới, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các độc giả. Từ đó, nguồn sách trong thư viện càng thêm phong phú…
![]() |
Sách trong thư viện luôn được Hoàng Quang Khải sắp xếp rất gọn gàng. (Ảnh: Huyền Trang) |
Lan tỏa văn hóa đọc sách
Từ năm 2020, Khải nghỉ việc tại công ty. Hiện nay, anh đang làm nhiều công việc như: Bí thư Chi đoàn thôn Đoan Khê, ship hàng... nên phòng đọc sách miễn phí được mở vào các ngày thứ bảy và chủ nhật.
Có mặt tại thư viện của Khải, điều mà chúng tôi dễ nhận thấy nhất là mặc dù số lượng sách lớn, nhưng tất cả đều được sắp xếp rất gọn gàng theo từng thể loại như: Truyện tranh, sách lịch sử, sách khoa học…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương tối ngày 18/3, anh Hoàng Quang Khải cho biết: “Em làm thư viện và cho mượn sách miễn phí để nhiều người trong thôn, xã có cơ hội đọc sách, từ đó học được nhiều điều hay từ những cuốn sách và góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc, góp phần xây dựng quê hương. Thời gian này, công việc tương đối bận nên em chuyển sang cho các bạn trẻ mượn sách mang về nhà đọc. Trước khi cho mượn, em thường ghi chép cụ thể và dặn các bạn giữ gìn sách cẩn thận để các bạn mượn sau cũng có thể đọc được. Tuy thời gian bận nhưng em vẫn sẽ tiếp nhận sách từ các nơi gửi tặng và sắp sếp thành các thư mục để phục bạn đọc được đa dạng hơn”.
![]() |
Ngoài việc xây dựng thư viện không đồng, Hoàng Quang Khải còn luôn tích cực tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Ảnh: Huyền Trang |
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc tiếp cận thông tin, tri thức của con người có thể đến từ nhiều kênh khác nhau. Thế nhưng, trước sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn tiện lợi, hấp dẫn hiện đại, thói quen đọc sách truyền thống vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa lâu đời vốn có của nó. Do vậy, việc xuất hiện nhiều mô hình thư viện miễn phí phục vụ bạn đọc như của Hoàng Quang Khải góp phần lan tỏa văn hóa đọc, giúp cho xã hội phát triển và mọi người gắn kết với nhau nhiều hơn.
Dù công việc mưu sinh bận rộn, nhưng Hoàng Quang Khải vẫn rất tâm huyết với dự án của mình. Anh mong muốn sẽ nhân rộng được tủ sách miễn phí này đến với nhiều vùng, địa phương hơn nữa. |