Bí thư đoàn xã “chân đất”
Đến thăm nhà anh A Đruế (32 tuổi, dân tộc Mơ Nâm) ở làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đúng lúc sân nhà anh đang tập trung những thành niên trong làng để luyện tập cồng chiêng. Anh A Đruế hiện đang là Bí thư Đoàn xã Đăk Long (hiện nay là thị trấn Măng Đen). Đồng thời là Đội trưởng đội nghệ nhân của làng Kon Vơng Kia.
Anh A Đruế cùng các thành viên trong đội cồng chiêng làng Kon Vơng Kia |
Anh A Đruế cho biết, sinh ra và sống trong gia đình coi văn hóa cồng chiêng như là máu thịt của chính mình, nên anh được ông cha truyền dạy từ nhỏ.
Năm 2012, anh A Đruế đã thành lập đội cồng chiêng thanh niên làng Kon Vơng Kia với 15 nghệ nhân là nam, nữ với mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng, múa xoang của dân tộc. Từ năm 2015, hoạt động du lịch tại huyện Kon Plông phát triển, nhiều du khách với mong muốn được thưởng thức cồng chiêng, múa xoang nên đội của anh có được nhiều lịch biểu diễn. Cũng nhờ đó, nhiều thanh niên trong làng gia nhập đội, đến nay đội đã có hơn 25 nghệ nhân.
“Ngoài tham gia hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức, từ năm 2015 đến năm, trung bình mỗi năm đội cồng chiêng làng Kon Vơng Kia tham gia từ 40 – 45 lần biểu diễn phục vụ du khách. Từ đó, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của người Mơ Nâm; tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trong đội”, A Đruế chia sẻ và tiết lộ thêm hiện mỗi tháng đội biểu diễn 6 – 7 lần tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, mỗi liền biểu diễn đội sẽ nhận thù lao từ 2 – 3 triệu đồng.
Theo anh A Đruế, thành viên của đội cồng chiêng phần lớn là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Qua những buổi biểu diễn, ngoài có thêm thu nhập, còn hun đúc tình yêu, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của cồng chiêng, múa xoang đến với các thành viên trong đội.
Anh A Hai (36 tuổi) – thành viên đội cồng chiêng của anh A Đruế cho biết, trước đây anh chỉ làm nông, thu nhập của gia đình bấp bênh khi chỉ tổng vào 2 sào lúa. Từ khi tham gia vào đội cồng chiêng và biểu diễn phục vụ khách du lịch, nhiều năm nay thu nhập của anh đã dần ổn định. “Mỗi lần biểu diễn thì chúng tôi được nhận từ 200 nghìn – 300 nghìn/người. Số tiền đó giúp tôi mua đồ sinh hoạt cho gia đình và quần áo, sách vở cho con đi học”, anh A Hai bộc bạch.
Phó Bí thư đoàn xã Đăk Mar A Nguyên |
Những thanh niên Ba Na với ước mơ làm giàu
Cũng giúp người dân trong làng tạo sinh kế, nhưng thay vì đi theo hướng khai thác giá trị văn hóa cồng chiêng, anh A Nguyên (25 tuổi, dân tộc Ba Na) ở làng Đăk Mút, xã Đăk Mar là giúp người dân trong làng phát triển kinh tế từ “trồng cây gì, nuôi con gì”.
Anh A Nguyên cho biết, là Phó Bí thư Đoàn xã Đăk Mar, anh có cơ hội được gặp, trò chuyện với nhiều người. Có thời gian về nhà, anh thường trò chuyện với người trong làng, tôi nhận thấy ở địa phương có nhiều thanh niên vẫn chưa có việc làm và chưa có ai định hướng rõ ràng. Cũng từ đó, tôi đã tiên phong trong việc tuyên truyền và định hướng cho nhiều thanh niên trong làng xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm. “Bản thân tôi giúp gia đình quản lý 2 ha cà phê, làm trang trại gà nhỏ cũng đã tìm hiểu, áp dụng một số kiến thức có hiệu quả nên tôi muốn giúp đỡ nhóm thanh niên trong làng có thu nhập để lo cho cuộc sống”, anh Nguyên chia sẻ.
Để tạo tính kết nối, góp phần tăng sự đoàn kết, phát huy vai trò của lực lượng thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tháng 10/2022, anh A Nguyên thành lập câu lạc bộ “Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế” với đông đảo thanh niên trong làng tham gia. Để kết nối được các thanh niên địa phương, anh đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả trong suốt những năm qua. Biết rằng thanh niên địa phương chủ yếu làm nông, anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức những lớp tập huấn thiết thực như chuyển giao khoa học kỹ thuật về vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu... cho gần 30 đoàn viên, thanh niên tham gia học tập và áp dụng vào sản xuất. Mới đây nhất, anh Nguyên đã đưa thành viên của câu lạc bộ tham gia lớp dạy nghề chăm sóc vật nuôi từ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà.
Mô hình chăn nuôi gia súc đã giúp nhiều thanh niên dân tộc Ba Na tại xã Đăk Mar vươn lên, cải thiện cuộc sống |
Dù chỉ mới thành lập, nhưng nhóm của anh Nguyên hoạt động rất sôi nổi. Đến nay gần 50% số lượng thành viên đã có chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm. Anh A Trung (21 tuổi) – thành viên trong câu lạc bộ cho biết: “Thiết kế chuồng trại, cách chăm sóc đều được anh Nguyên và nhiều cán bộ chăn nuôi hướng dẫn cho tôi. Vì thế đàn gà của tôi phát triển rất tốt và đã xuất bán hơn 120 con, thu về gần 10 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”.
Theo anh A Xây – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, những tâm gương như A Đruế và A Nguyên là những điển hình của gương tiêu biểu của cán bộ Đoàn tỉnh Kon Tum, năng nổ trong công tác chuyên môn. Những thanh niên người dân tộc thiểu số đó không chỉ biết tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương để phát triển mô hình kinh tế hiệu quả mà còn hỗ trợ thanh-thiếu niên, cộng đồng, tạo việc làm, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội vươn lên trong cuộc sống.