Kịp thời gỡ khó môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay một số rào cản, khó khăn vướng mắc của môi trường kinh doanh được tháo gỡ; những vấn đề khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh, với nền kinh tế đã được Chính phủ nhận diện trúng và có những hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt bằng một loạt các văn bản chỉ đạo.
Trong đó, đáng chú ý là Chính phủban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Tuy nhiên những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí có xu hướng chậm lại.
Một nguyên nhân chính theo các chuyên gia là môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Thực trạng nhiều văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không đảm bảo tính thực thi, khác biệt (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…) đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết. Cùng đó số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm; nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn.
Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu cũng chậm cải thiện; còn nhiều yêu cầu về quản lý quá mức cần thiết, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực được xem là ít có chuyển biến.
Trước những thực tiễn trên, nhằm kịp thời gỡ khó môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, việc sớm có các nỗ lực cắt giảm quy định, thủ tục hành chính không cần thiết sẽ củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp, và “tiếp sức” cho họ để phục hồi và phát triển.
Các bộ, ngành, địa phương có cơ chế tạo động lực khuyến khích đổi mới sáng tạo và cơ chế bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung để cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ, từ đó mạnh dạn bãi bỏ những quy định, thủ tục không phù hợp, gây chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Thực hiện hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp một cách thực chất; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.
Đặc biệt, cần có các đánh giá độc lập, khách quan với sự tham gia của các viện nghiên cứu độc lập, các chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp…; đánh giá kết quả đạt được, phát hiện và xác định được vấn đề, vướng mắc khó khăn; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Các doanh nghiệp kiến nghị bảo đảm ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Phía các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.