Thứ ba 24/12/2024 01:32

Kinh tế phục hồi tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng...

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; cùng một số nội dung quan trọng khác.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%). Đây là mức tăng cao nhất trong các quý I kể từ năm 2020 đến nay.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TP.HCM (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đồng thời, hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ; mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, thu ngân sách nhà nước đạt 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng, lần lượt là 15,5%, 17% và 13,9%; ước xuất siêu 8,08 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ...

Về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tổng trong quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đăng ký mới đạt 4,8 tỷ USD, tăng 57,9%; vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo. Kết quả này là nhờ nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực khác, đó là giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái đạt 10,35%) và số tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng), qua đó đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I đã tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,6%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ giảm 2,9%); tiêu thụ tăng, tồn kho giảm mạnh. Đây là tín hiệu tốt cho sản xuất, xuất khẩu.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức

Bên cạnh những điểm sáng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Theo Bộ trưởng chỉ ra, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng.

"Sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm; sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.

Ngoài ra, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu. Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay.

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch, bất động sản vẫn còn khó khăn.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm, bởi tốc độ tăng CPI bình quân có xu hướng tăng dần, áp lực lạm phát có thể gia tăng do tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giá nguyên vật liệu tăng.

Cộng hưởng với rủi ro biến động giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận chuyển đường biển, hàng không… thế giới. Tỷ giá USD bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, dự báo còn tiếp tục chịu áp lực tăng.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu dự báo tăng cao; áp lực dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp; chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD.

“Đây là những vấn đề cần theo dõi sát, chủ động có giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, thực hiện kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.

Ngọc Linh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn