Kinh doanh có trách nhiệm: 'Chìa khoá' cho doanh nghiệp hội nhập
Tăng năng lực cạnh tranh nhờ kinh doanh có trách nhiệm
Tại Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (VCCI) tổ chức vào chiều ngày 15/4, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến chủ đề kinh doanh có trách nhiệm.
Ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NH |
Cụ thể, theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI: Kinh doanh có trách nhiệm là một nội hàm quan trọng của văn hoá kinh doanh. Kinh doanh có trách nhiệm đã và đang được các doanh nghiệp Việt Nam coi là 'chìa khoá' góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
‘Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc liêm chính, kinh doanh tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường’ – ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Trong khi đó, theo quy định Liên hiệp quốc, kinh doanh có trách nhiệm có nghĩa là, nhà kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền con người, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm về quan hệ lao động cũng như trách nhiệm giải trình về mặt kinh tế, tài chính đối với nhà nước như: Thuế và các báo cáo tài chính… Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật của quốc gia chưa đảm bảo đủ cho các điều kiện này thì các nhà kinh doanh cần phải chủ động điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Kinh doanh có trách nhiệm đã và đang là xu hướng kinh doanh quan trọng, là biện pháp hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thực tế hiện nay đã cho thấy, các doanh nghiệp làm ăn chân chính ngày càng nhận thức rõ, doanh nghiệp không thể phát triển bền vững nếu xã hội không phát triển.
Cũng đánh giá cao về vấn đề kinh doanh có trách nhiệm, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng: Kinh doanh có trách nhiệm, đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là những yếu tố nền tảng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu ‘kinh doanh có trách nhiệm’, ông Phan Xuân Thủy đề nghị: Với đội ngũ doanh nhân, cần coi đạo đức là ‘thương hiệu’ cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.
Với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, ông Phan Xuân Thuỷ cho rằng, cần tiếp tục lan tỏa các quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với các giá trị văn hóa dân tộc.
'Với cơ quan quản lý, cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững' - ông Phan Xuân Thuỷ thông tin thêm.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: N.H |
Đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới
Trên thực tế, để kinh doanh có trách nhiệm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy về lâu dài, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của doanh nghiệp phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, bao hàm các vấn đề về kinh tế, xã hội và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến lợi ích của xã hội và bảo vệ môi trường nhiều hơn là những yêu cầu theo quy định của pháp luật, như: Giải quyết vấn đề lao động việc làm, các vấn đề môi trường thông qua biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, phòng ngừa ô nhiễm. Đấu tranh chống nạn hối lộ, tham nhũng cho đến việc tham gia và phát triển cộng đồng.
Cùng quan điểm trên, bà Vi Thanh Hoài – Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch cho rằng: Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực đồng hành cùng đất nước trong trách nhiệm với cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội.
‘Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm không chỉ đóng góp vào kết quả kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường sống bền vững và quản trị tốt thông qua chuỗi cung ứng’ – ông Phạm Tấn Công nêu rõ.
Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025 được tổ chức vào chiều 15/4, tại Hà Nội. Ảnh: NH |
Thông tin tại diễn đàn cũng cho rằng, kinh doanh có trách nhiệm càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hoá có nhiều thay đổi và trong bối cảnh Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP ở mức 8% trở lên, làm tiền đề cho các năm tiếp theo tăng trưởng hai con số, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và 2045.
‘Để thực hiện các mục tiêu này, khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là các doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế’ – ông Phạm Tấn Công thông tin và cho rằng, nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm, năm 2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức kinh doanh gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Xây dựng văn hoá kinh doanh, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Nội dung này cũng được nêu ra tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành vào ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. |