Kiểm toán nhà nước: Phối hợp sâu, rộng trong thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội
Nhiều đóng góp trong siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính
Một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội là thực hiện quyền giám sát. Để thực thi vai trò giám sát và triển khai các hoạt động giám sát, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tùy theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước (KTNN) - cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật, có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cũng sẽ tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) và chính sách tài chính khi có yêu cầu.
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước có nhiệm vụ cung cấp thông tin kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ảnh: TL |
Như vậy, trong hoạt động giám sát của Quốc hội, KTNN)có nhiệm vụ cung cấp thông tin thường xuyên về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, /chu-de/tai-san-cong.topic để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; đồng thời tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội khi có yêu cầu.
Theo TS. Nguyễn Thị Phú Hà- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Cụ thể: Hằng năm, KTNN xây dựng báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quyết toán NSNN của cả nước. Bên cạnh đó, qua kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn 5 năm; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.
Đặc biệt, KTNN tham gia tích cực vào hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN đã cơ bản bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội đã được KTNN tổ chức thực hiện thành các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành cùng tham gia hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán. ”Kết quả kiểm toán của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin chính xác, khách quan, có giá trị cho công tác giám sát của Quốc hội”- TS. Nguyễn Thị Phú Hà bày tỏ.
Dẫn chứng sự tham gia tích cực của KTNN đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: KTNN đã triển khai thực hiện chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, nhiều kết quả các cuộc kiểm toán trong những năm gần đây đã được Đoàn giám sát nghiên cứu, sử dụng đưa vào nhận định, đánh giá báo cáo giám sát chuyên đề báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022. Bên cạnh đó, KTNN cũng đã tổ chức kiểm toán chuyên đề toàn Ngành để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ 2 cuộc giám sát tối cao năm 2023 của Quốc hội chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin, số liệu có giá trị cho các cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, thông qua đánh giá việc tuân thủ pháp luật và chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để kiến nghị chấn chỉnh, xử lý theo quy định. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, thay thế hàng nghìn văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. ”Nhiều kết luận, kiến nghị của KTNN được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sử dụng khi thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công”- bà Hà khẳng định.
Bên cạnh đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước. Đồng thời, đây cũng là nguồn thông tin quan trọng cho các cơ quan của Quốc hội khi tổ chức các phiên giải trình và đại biểu Quốc hội chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Và đặc biệt, các thông tin kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được công khai minh bạch cũng tạo điều kiện cho Nhân dân, cử tri tham gia thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán
Để hoạt động giám sát của Quốc hội “đúng”, “trúng”, đạt hiệu quả cao thì không thể không nhắc đến vai trò của KTNN. Vì thế, để nâng cao hiệu quả đóng góp của KTNN đối với hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như phát huy được vai trò của KTNN trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Thị Phú Hà, KTNN cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Cụ thể, KTNN cần tiếp tục bám sát yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán hằng năm khoa học, hiệu quả; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Chiến lược phát triển ngân sách nhà nước đến năm 2030; bố trí kế hoạch kiểm toán hợp lý để kịp thời và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu kiểm toán phục vụ cho các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cũng Kiểm toán Nhà nước cũng cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, tài sản công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng các báo cáo kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán.