Kiểm soát an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Đến hẹn lại lo
Những ngày đầu xuân, nhiều địa phương tại các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa lễ hội. Đây cũng là thời điểm lượng thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất. Tại các đền, chùa, khu di tích, khu du lịch... luôn thu hút một lượng lớn du khách. Cũng từ đây, các cơ sở ăn uống mọc như “nấm sau mưa” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Điển hình như tại Tây Ninh xung quanh các địa điểm nổi tiếng như: Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Tháp cổ Bình Thạnh... hàng quán mọc lên như nấm. Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống có đăng ký thì vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, xe đẩy, gánh hàng rong bán các loại thực phẩm, nước giải khát… chưa được kiểm soát, quản lý chặt. Do mang tính thời vụ, “dã chiến”, nên mặc dù các món ăn không được che chắn bụi kỹ, người bán không sử dụng bao tay khi chế biến…, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, song người dân vẫn chen lấn mua, ăn uống vô tư.
Hay tại Bình Dương, xung quanh các cung đường gần Miếu Bà, chùa Tây Tạng, chùa Ông Ngựa (TP. Thủ Dầu Một) các tiệm bánh cốm ngò, khoai tây chiên, kem dừa mọc lên khá nhiều. Các dịch vụ ăn uống này mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, chưa đủ các điều kiện an toàn nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn thường trực.
Những món ăn được "phơi trần" tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8/2/2024 đến 14/2/2024), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi điều trị. Cùng với đó, tại tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu tại bữa tiệc gia đình xảy ra vào ngày 11/2/2024 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.
Những con số trên cho thấy, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng. Tuy nhiên, đến hẹn lại lo, mỗi mùa lễ hội đầu xuân, nguy cơ thực phẩm bẩn và ngộ độc thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo thường trực.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Thời gian qua, tại An Giang, các lực lượng chức năng tỉnh liên tục kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến, nhập khẩu thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã kiểm tra về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở, trong đó chú trọng về điều kiện của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ, chất lượng an toàn của sản phẩm. Ngoài ra đoàn kiểm tra còn kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý nếu có vi phạm, tuyệt đối không để các sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Lực lượng Quản lý thị trường Tây Ninh tiến hành kiểm tra trên địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và huyện Gò Dầu |
Tương tự, tại Tây Ninh Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã Thực hiện Kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024. Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra trên địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và huyện Gò Dầu với tổng số 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 03 cơ sở hoạt động dưới hình thức buffet. Thông qua hoạt động kiểm tra, giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể; góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024.
Tại Bình Dương, ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Hiện tại, công tác kiểm tra vẫn được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Các địa phương, đơn vị kiểm tra, nhắc nhở việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh những sơ suất dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh việc kiểm tra, các đoàn cũng chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật, ký cam kết để người dân, chủ cơ sở có những nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ uy tín với du khách.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đang là cao điểm mùa lễ hội năm 2024. Cùng với công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn văn minh, văn hóa du lịch, thành phố cũng chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tạo dựng niềm tin với khách thập phương.