Không gian phát triển mới cho ngành năng lượng
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển rộng hơn, thiết lập khái niệm mới cho ngành năng lượng Việt Nam.
Công nhân Công ty Truyền tải điện Tây Bắc kiểm tra, sửa chữa đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa (Phú Thọ). |
Đó chính là sự phát triển theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp,…
Cung cấp đủ điện phát triển kinh tế-xã hội
Quy hoạch điện VIII gồm phạm vi chính là quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có cả các công trình liên kết lưới điện với quốc gia láng giềng; đồng thời cũng quy hoạch sơ bộ cho sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Quy hoạch điện VIII khẳng định quan điểm phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn, truyền tải và phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường; chuyển đổi mô hình kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.
Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) Trần Kỳ Phúc cho biết: Mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch điện VIII là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030 và khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến cần đạt 567 tỷ kW giờ, công suất cực đại đạt 90.512MW; đến năm 2050 lần lượt cần khoảng 1.224-1.378 tỷ kW giờ và 185.187-208.555MW.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII cũng hướng tới thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng với mục tiêu phát triển mạnh các nguồn điện năng lượng tái tạo. Tỷ lệ điện năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát đến năm 2030 sẽ là khoảng 31-39% và đến năm 2050 sẽ khoảng 67,5-71,5%; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện giảm lần lượt còn 204-254 triệu tấn năm 2030 và 27-31 triệu tấn vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII xác định phương án phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, điện than và khí; phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực. Trong đó, đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, ngoài khơi và điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống và lưới điện, giá thành sản xuất cũng như chi phí truyền tải; khuyến khích phát triển điện gió, mặt trời tự sản/tự tiêu; phát triển mạnh điện năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Về nguồn điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Các nhà máy cũng sẽ được chuyển đổi, đến năm 2050 sẽ dừng sử dụng than để phát điện. Riêng với điện khí sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trường hợp sản lượng khí suy giảm sẽ có phương án nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG.
"Hệ thống truyền tải điện cũng sẽ được phát triển đồng bộ với tiến độ phát triển nguồn điện, nhu cầu tăng trưởng phụ tải địa phương cũng như sẵn sàng kết nối các khu vực. Quy hoạch điện VIII còn khuyến khích phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành điện an toàn, ổn định và kinh tế", ông Trần Kỳ Phúc cho biết.
Triển khai hiệu quả trong thực tiễn
Trong Quy hoạch điện VIII, năng lượng hóa thạch đã được thu hẹp theo đúng cam kết của Việt Nam tại COP26, đồng thời thúc đẩy mạnh các nguồn điện năng lượng tái tạo để đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% trong tổng công suất phát vào năm 2030; 67,5-71,5% vào năm 2050. Với định hướng như vậy, Quy hoạch điện VIII đã mở ra không gian hoàn toàn mới cho ngành năng lượng Việt Nam.
Phát triển năng lượng sẽ không chỉ tập trung vào phát triển nguồn, mà còn bao gồm cả thiết bị, công nghệ sản xuất cũng như công nghệ lưu trữ năng lượng. Chúng ta phải dần tự chủ trong câu chuyện thiết bị, công nghệ để tăng tỷ lệ nội địa hóa các dự án điện. Và như vậy, việc hình thành cũng như thu hút đầu tư vào hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới sẽ là nội dung quan trọng của ngành năng lượng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trên thực tế, đi liền những mục tiêu tham vọng như vậy là không ít thách thức trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII. Theo tính toán của Viện Năng lượng, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 134,7 tỷ USD; giai đoạn 2031-2050 cần khoảng 399,2-523,1 tỷ USD.
Để giải bài toán vốn, Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh giải pháp nghiên cứu cơ chế tài chính nhằm đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch; đa dạng hóa các hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác công tư,…) đối với dự án điện.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII, chắc chắn phải huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Các chính sách đầu tư trong lĩnh vực này phải được hoàn thiện hơn theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ, xuyên suốt, hạn chế rủi ro vì nhà đầu tư sẽ chỉ "xuống tiền" khi thật sự thấy an toàn và có lợi.
Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết: Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII đã có danh mục dự án quan trọng ưu tiên phát triển trong thời gian tới, bao gồm các dự án nhiệt điện than, dự án khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu, dự án thủy điện vừa và lớn cùng các dự án lưới điện từ 220kV trở lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo với quy mô, công suất nhỏ hơn, chưa được đưa vào danh mục nói trên.
Do đó, để có cơ sở triển khai các dự án không phải dự án ưu tiên, Bộ Công thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển điện lực như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo hay Cơ chế mua bán điện trực tiếp;… là cơ sở pháp lý quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch điện VIII.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tập trung nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực hiệu quả, bảo đảm đồng bộ, khả thi.
Để triển khai thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong mọi tình huống; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được giao; đồng thời, chú trọng thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phát triển bền vững.
Bộ Công Thương chỉ đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tích cực tìm kiếm các nguồn khí, than ở trong và ngoài nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho sản xuất điện, phù hợp với nhu cầu phụ tải; chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng kho, cảng phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng; tập trung thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện được giao.