Thứ tư 18/12/2024 20:04
Cuộc sống mới ở Ka Lăng:

Không còn là giấc mơ

So với chục năm về trước, xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) hôm nay đã có những đổi thay rõ rệt về điện, đường, trường, trạm. Ước mơ về cuộc sống no ấm của đồng bào Hà Nhì ở Ka Lăng, nay cũng đã thành sự thật.

Ka Lăng ngày mới

Từ trung tâm huyện Mường Tè, phải mất hơn 3 tiếng đi xe khách mới vào đến xã Ka Lăng bởi gần 70 km đường đèo dốc dẫn vào xã đầu nguồn sông Đà này có vô số đoạn vừa xấu, vừa bụi…

Mỗi ngày đã có 2 chuyến xe khách đi từ Trung tâm huyện Mường Tè lên với Ka Lăng

Đường xấu là vậy, nhưng ông Lỳ Xừ Xá, người dân tộc Hà Nhì – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng – vẫn nức nở: “Tốt hơn nhiều rồi. Trước kia, chúng tôi ra huyện họp toàn đi bộ, mất 2 - 3 ngày. Năm 2004, mới thông đường vào Ka Lăng, ô tô vào được nhưng chỉ là lúc mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5), mùa mưa thì lại đi bộ. Từ năm 2015, mỗi ngày đã có 2 chuyến xe từ trung tâm huyện vào Ka Lăng và từ Ka Lăng ra huyện. Cán bộ đi họp, con cháu đi học đỡ hơn nhiều rồi”. Không chỉ có đường vào xã, đến nay 11 bản của Ka Lăng, đã có nhiều bản có đường ô tô vào đến bản. Bản Tạ Phu là bản cao nhất của Ka Lăng, năm 2017, cũng đã có đường ô tô vào.

Là người dân sinh ra tại Ka Lăng, lại có tới 34 năm làm cán bộ xã nên ông Lỳ Xừ Xá giống như kho truyện đọc mãi không hết. “Thế hệ ông tôi, bố tôi, không ai biết “kế hoạch hóa” gia đình là gì. Phụ nữ đến ngày trở dạ thì gọi người quen biết đến nhà đỡ. Nhà tôi đây, tự tôi đỡ cho bà ấy đẻ, 10 đứa còn 9 mất 1. Cây anh túc thì trồng ngay trong vườn nhà, nhiều nhà bàn đèn thuốc phiện còn sẵn hơn đèn dầu…” - ông Xá chia sẻ.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe chuyện, ông Xá cười: “Xưa vậy thôi, nay khác nhiều rồi, 5 đứa con của tôi đã lập gia đình, đứa nào cũng sinh có 2 con, mà đều ra bệnh viện hoặc Trạm Y tế xã để sinh. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của Ka Lăng nay cũng đã đạt tới 97%. Người nghiện còn ít thôi, ai nghiện cũng biết xấu hổ với bà con hàng xóm rồi”.

Khi điện về bản

Đường vào Ka Lăng thông chưa bao lâu thì điện đến. Từ năm 2016, ánh sáng của điện lưới quốc gia cũng đã được kéo về trung tâm xã Ka Lăng rồi tỏa đi 11 bản. Hiện trên địa bàn xã Ka Lăng đã có 5 trạm biến áp với công suất 100kVA, toàn bộ hệ thống lưới điện đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. 96,65% dân số ở Ka Lăng đã được sử dụng điện.

Ông Lỳ Xừ Xá mua ngay tủ lạnh về sử dụng sau khi có điện lưới quốc gia

“Điện về bà con vui lắm. Già trẻ ai cũng hoan hỉ…” - ông Pờ Go Tư - Bí thư Chi bộ bản Mé Gióng phấn khởi chia sẻ. Không vui sao được khi mà bao nhiêu năm, người dân nghèo ở Ka Lăng chỉ biết có ánh sáng leo lét của cây đóm, của đèn dầu. Nhà có điều kiện thì có thêm tí điện suối chập chờn. Mặt trời đi ngủ là cả xã Ka Lăng lại chìm trong bóng tối mịt mù.

“Trước kia, đi làm nương, bà con đều phải cố gắng về sớm, ăn cơm lúc 5 - 6 giờ chiều để tranh thủ chút ánh sáng cuối ngày. Giờ đây có điện, ngày dài hơn, làm được nhiều việc hơn mà không vất vả. Trẻ con có ánh sáng để học bài. Bà con xem tivi, nghe đài cũng biết thêm những kinh nghiệm gieo cấy, trồng trọt…” – ông Pờ Go Tư cười khà khà, chỉ cho tôi xem mấy cái máy xay, máy xát, máy nghiền mà gia đình ông đã mua ngay sau khi có điện.

Không chỉ có bản Mé Gióng, đi đến các bản Lé Ma, Nhù Cả, Nhù Te, Lò Ma, Tạ Phu, Lè Ma… ánh sáng điện đến đâu là cuộc sống thay đổi đến đó. Nhờ có điện, người Hà Nhì suy nghĩ rộng hơn, lao động sản xuất tích cực hơn, tinh thần hiếu học theo đó cũng được lan tỏa mạnh mẽ. Ka Lăng giờ đã có tới hơn 70 em học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

“Không có Đảng, không có Nhà nước quan tâm, đồng bào làm sao có được cuộc sống như ngày hôm nay…” – bộc bạch của ông Lỳ Xừ Xá, người đã sống qua 2 thế kỷ ở Ka Lăng, cũng chính là sự khẳng định về những tác động của chính sách, chế độ dành cho vùng DTTS và miền núi. Và câu chuyện ở Ka Lăng là một minh chứng...

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Hà Giang: Nỗ lực thu hút đầu tư phát triển thương mại biên giới

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Sữa Cô Gái Hà Lan nỗ lực viết tiếp hành trình hỗ trợ đồng bào khắc phục sau thiên tai

Sơn La: Quy định nội dung hỗ trợ các dự án sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Thương nhớ Nậm Kéng

Người giữ lửa nghề thủ công truyền thống

Trao 600 suất quà cho người nghèo Xín Mần trong chương trình “Xuân biên cương, ấm lòng dân bản”

Bàn giải pháp thoát “lõi nghèo” cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Đêm hội “Trăng thu biên cương” tại xã Mồ Sì San

Quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn đến người tiêu dùng Thủ đô

Lan tỏa mạnh mẽ “tuyệt kỹ” của đồng bào dân tộc thiểu số Mông trắng

Tinh xảo kỹ thuật thêu ghép vải trổ thủng của đồng bào dân tộc Hmong trắng

Xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Doanh nghiệp cần xác định rõ điểm mạnh, yếu

Tọa đàm: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ miền núi

Lan tỏa nghệ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ dân tộc Hmong hoa

Yên Bái: 66.200 lượt hộ nghèo địa phương đã thoát nghèo

Tuyên Quang: Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để giảm nghèo bền vững

Cần có Nghị quyết mới về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững

Cần nhiều hơn chính sách ưu tiên cho phát triển tiểu thủ công nghiệp