Khi ''Mái ấm Hoa Hồng" trở thành địa ngục
"Tôi có ước mơ xây dựng một mái ấm thật tiện nghi, hiện đại cho các bé. Tôi hay nói rằng sẽ biến khách sạn này thành mái ấm 5 sao. Các phòng trong khách sạn đã đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, để biến nó trở thành phòng nuôi trẻ còn phải đầu tư thêm. Hiện, tôi đã lên kế hoạch và đang thực hiện để các bé được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường, điều kiện tốt nhất"...
Đây là những lời chia sẻ của bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) người từng xuất hiện trong "Những câu chuyện truyền cảm hứng" tại Miss Grand Vietnam 2022.
Bảo mẫu 47 tuổi đánh đập cháu bé tại Mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: Thanh Niên |
Bà Hương - chủ của cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đã không ít lần lấy "nước mắt" của mạnh thường quân, nhà hảo tâm khi chia sẻ về những câu chuyện cuộc đời, những lần nhận các bé bị bỏ rơi hay hành trình giúp đỡ biết bao mẹ bầu gặp khó khăn. Nhiều người bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng yêu trẻ cũng như sẵn sàng cưu mang, dành cho các bé bị bỏ rơi một mái ấm để được chở che, chăm sóc.
Những lần ghé thăm của các nhà hảo tâm, nơi đây đã để lại ấn tượng về sự hiền hòa và chăm sóc tận tụy của các bảo mẫu. Những câu khẩu hiệu "Chăm làm thiện; Gần thánh nhân; Tránh xa ác; Tâm luôn mở..." dán khắp nơi trong "mái ấm" đã tạo ra một hình ảnh hoàn hảo về một nơi lý tưởng cho trẻ em cơ nhỡ và mồ côi.
Song tất cả chỉ là khẩu hiệu và có lẽ cũng không ít người còn lầm tưởng nó được viết ra từ tận trái tim của những bảo mẫu "hết lòng vì con trẻ". Nhưng tất cả chỉ là giả dối, và nói 'không ngoa" khi cho rằng đó chỉ là những hình thức "làm màu" để câu kéo, "móc túi" bằng sự thương cảm của các mạnh thường quân khi mới đây trong video làm rúng động dư luận những ngày qua đã phơi bày tất cả. Đó là cảnh những đứa trẻ chỉ mới 1-2 tuổi hàng ngày phải chịu những cái tát, những cú quăng quật, bóp đầu, bóp miệng, đánh đấm, chửi rủa, văng tục… Phải ăn thứ đồ ăn để bên bồn cầu; uống thứ thuốc ức chế để ngủ li bì cho khỏi quấy khóc, những giọt sữa dồn lại từ tất cả các bình thừa và được dạy cách để trừng trị lẫn nhau... Các em nhỏ đã phải gánh chịu sự tàn nhẫn không thể tưởng tượng nổi từ chỗ mà biết bao người coi đó là chốn "thiên đường" và từ những đôi bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ vẫn được các mạnh thường quân gọi là "người mẹ thứ hai của bé".
Khi chứng kiến những hình ảnh ghi lại của những đoạn video cứ tưởng như đó là hình ảnh, câu chuyện của hai thế giới khác nhau. Kỳ thực, chúng đều diễn ra dưới Mái ấm Hoa Hồng. Chỉ khác nó diễn ra, được hé lộ ở một không gian hoàn toàn khác. Một bên là lời phát biểu của chủ nhân "mái ấm" trên truyền thông, trên sóng truyền hình, một bên là thực tế diễn ra nhiều ngày bên trong "mái ấm".
Từ cảnh chào đời đã chịu nhiều thiệt thòi khi bị bỏ rơi, khuyết tật, mồ côi, sống lang thang,… vì nhiều hoàn cảnh éo le khác nhau, những đứa trẻ mồ côi được gửi vào mái ấm như một cứu cánh để được tiếp tục sinh tồn. Đến lúc được "mái ấm" chào đón, những tưởng các em sẽ được bù đắp bằng sự yêu thương, đùm bọc của những người chăm sóc và sự đồng hành của các nhà hảo tâm, bước vào một cuộc sống mới với đầy "hoa hồng"... nhưng sự thật thì hoàn toàn không phải thế.
Đó lại là "địa ngục trần gian" - nơi các em ngày ngày phải chịu đựng những hành vi ngược đãi, bạo hành.
Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng nơi xảy ra lùm xùm bạo hành trẻ em |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 cấp Giấy phép hoạt động vào ngày 7/7/2023.
Chức năng, nhiệm vụ của cơ sở này là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Đối tượng phục vụ là chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng không quá 39 trẻ. Qua các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép, không phát hiện sai phạm.
Thế nhưng trên thực tế tại thời điểm kiểm tra, sau khi báo chí phanh phui sự việc, tổng số trẻ có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng là 85 trẻ; bao gồm 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại trường mầm non Sóc Bông), 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi. Ngoài ra có 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Chủ của Mái ấm Hoa Hồng cùng một số người khác đã bị tạm giữ để điều tra các dấu hiệu bạo hành trẻ em. Bước đầu cơ quan chức năng xác định 5 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em.
Đáng nói, trước đó, đã nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ bị xử, mới nhất là bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh bị tòa xử mức án tù chung thân về hành vi bạo hành bé N.Đ.H.A. (6 tháng tuổi) khiến nạn nhân tử vong. Tức là ngay khi các ác mẫu ở "mái ấm" này đang bạo hành các bé thì vụ Võ Thị Mỹ Linh đã diễn ra, và hầu như với các ác mẫu này, việc ấy không liên can gì, không có một chút nào có ý nghĩa răn đe để họ dừng tay lại.
Ngoài ra, cơ sở này còn đang bị điều tra về hành vi lừa đảo, trục lợi từ thiện. Đây là một hành vi đáng lên án, vì nó không chỉ làm tổn hại đến lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động thiện nguyện mà còn làm tổn thương tinh thần của các mạnh thường quân.
Chắc chắn là những hành vi này sẽ tiếp tục được làm rõ và nghiêm trị theo đúng quy định pháp luật!
Ngày 4/9, ngay trong ngày báo chí phản ánh về vụ việc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công điện gửi Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đốc thúc xử lý, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.
Các đơn vị liên quan đã lập thành tổ kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra toàn diện "mái ấm địa ngục" này. Các chỉ đạo của những người lớn có trách nhiệm đang cấp tập triển khai. Những đứa trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để đảm bảo an toàn.
Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời là cần thiết... nhưng đáng tiếc, đây không phải là vụ việc mới, không phải lần đầu phát hiện. Trước đây, các vụ bạo hành ở các mái ấm, cơ sở chăm sóc trẻ, nhà trẻ đã từng xảy ra và làm cho cộng đồng rúng động.
Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng rõ ràng không phải là hiện tượng cá biệt và tội ác này chưa có cơ sở để đảm bảo rằng sẽ không tiếp tục tái diễn ở nơi khác, nhưng đây chắc chắn sẽ là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc để cơ quan chức năng có những hành động ráo riết hơn trong việc củng cố quản lý, nâng cao năng lực làm việc chuyên nghiệp và tăng cường giám sát tại các mái ấm, nhà mở, các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ... và xử lý nghiêm minh các hành vi bạo hành.
Cùng với đó, lòng tốt của cộng đồng không nên bị lợi dụng, các cơ quan chức năng cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của trẻ em. Chỉ khi chúng ta thực hiện đầy đủ các biện pháp này, trẻ em mới có thể được sống trong một môi trường thực sự an toàn và yêu thương.