Thứ sáu 18/04/2025 15:31

Ươm mầm tuổi thơ vùng xa bằng những sân chơi Cầu Vồng

Dù điều kiện vật chất còn khó khăn, nhưng với những sân chơi Cầu Vồng, niềm hạnh phúc của các em nhỏ vùng xa tưởng chừng như là bất tận.

Trong những ngày đầu năm mới 2025, tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (điểm trường làng H'rang), xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã xuất hiện một khu “vườn lạ” giữa mảnh đất bazan màu mỡ. Thay vì những cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, cà phê, khu vườn này lại được làm bằng những xích đu, cầu trượt đầy màu sắc. Mang tên “Vườn mầm Bazan”, “khu vườn lạ” đó là sân chơi thứ 10 của dự án Sân chơi Cầu Vồng.

Trẻ em tại H'rang thích thú với trò chơi "Hoa dây thì thầm" tại "Vườn mầm Bazan" của dự án Sân chơi Cầu Vồng. Ảnh nhân vật cung cấp

“Vườn mầm Bazan” hiện “đón tiếp” 102 vị khách nhí là học sinh người dân tộc Jrai tại Trường Lê Văn Tám, cùng 442 trẻ em từ 3-11 tuổi của làng H’rang tại xã Ia Kriêng. Bên trong vườn “trồng” 7 thiết bị vui chơi, với những cái tên vô cùng ngộ nghĩnh như “Tháp vườn liên sắc”, “Sừng tít lưng gù”, “Hoa dây thì thầm”... tạo niềm vui thích và khơi dậy trí tò mò cho các em nhỏ.

Nhưng điều ít ai biết là, để “trồng” được một khu vườn như vậy là kết quả của hơn ba tháng tiền trạm, họp hành, mua sắm vật tư, làm việc với cộng đồng địa phương, nhà tài trợ, tuyển tình nguyện viên, lên bản vẽ thiết kế, chỉnh sửa và xây dựng từ những tình nguyện viên trẻ của sân chơi Cầu Vồng. Dù vất vả, nhưng trên môi mỗi người là những nụ cười rạng rỡ.

Các tình nguyện viên của dự án Sân chơi Cầu Vồng trong buổi giao lưu với trẻ em tại làng H'rang. Ảnh do dự án cung cấp

Nguồn cảm hứng từ những tổn thương

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Công Thương, chị Dương Thảo - người sáng lập dự án Sân chơi Cầu Vồng - chia sẻ rằng: Hầu hết các thành viên của dự án đều chịu tổn thương khi còn là trẻ con, nên các bạn đều mong muốn có thể sử dụng đặc quyền của người lớn để tạo niềm vui cho thế hệ tương lai đất nước.

Về phần mình, chị Thảo tâm sự, hồi còn 3 tuổi, em họ của chị đã bị đuối nước sau khi chơi ngoài sông. Lên 5, chị chứng kiến một người bạn của chị gặp tai nạn giao thông do chơi ngoài đường. Những kỷ niệm đó càng thôi thúc chị Thảo trong việc thực hiện dự án sân chơi cho các em nhỏ ở địa phương xa, còn nhiều khó khăn.

Sau khi gặp mặt hai người bạn Phan Thị Hòa và Lê Thị Lý, giấc mơ của chị đã thành hiện thực. Sân chơi Cầu Vồng đầu tiên đã được ra đời tại Lâm Đồng vào giữa năm 2022, với kinh phí hơn 75 triệu đồng.

Sau hơn 2 năm hoạt động, dự án đã xây dựng thành công không gian chơi dành cho hơn 1.500 trẻ em khó khăn, yếu thế thụ hưởng trực tiếp tại khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, với sự góp sức của 9 cộng đồng địa phương, hơn 400 tình nguyện viên và sự hỗ trợ nhiệt thành từ chính quyền, nhà trường, các doanh nghiệp và cộng đồng.

Lý giải về nguồn gốc tên dự án của mình, chị Thảo chia sẻ: “Bạn có thấy ở nơi nào trên trái đất cũng có cầu vồng không? Chúng mình mong muốn mang lại cho trẻ em ở khắp Việt Nam một “cầu vồng” của riêng mình, để nơi nào các em cũng có thể chơi an toàn, hạnh phúc”.

Sân chơi đầu tiên của dự án Sân chơi Cầu Vồng tại Trường tiểu học Chơ Ré, điểm trường thôn Ma Bó, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh nhân vật cung cấp

“Từ 30km biến thành 0”

Để đến được những sân chơi hôm nay, chị Thảo cùng các tình nguyện viên đã phải trải qua vô vàn khó khăn trong lúc bắt đầu.

“Ngày đầu, không ai biết đến dự án nên vấn đề về nhân lực và tiền đều khó khăn, cái khó của dự án lại chính là thời tiết, là làm sao anh em cùng thi công với người dân, và hướng dẫn dân làng cùng bảo vệ sân chơi. Ngày đầu gặp nhau cũng xa lạ lắm. Người dân làng vẫn chưa tin, chỉ đứng nhìn từ xa”, chị Thảo chia sẻ.

Nhưng mọi nỗ lực, tình cảm của nhóm tình nguyện đã sớm được dân làng chấp nhận. Chị Thảo kể lại: “Hôm xây dựng, mọi người chung tay và kết nối với bọn mình hơn, hễ bọn mình thiếu cái gì là họ chạy về làng lấy. Có một phụ huynh nói với bọn mình, không chỉ rút ngắn khoảng cách từ nhà đến sân chơi cho các em, nhóm tình nguyện viên còn đem niềm vui, niềm hạnh phúc tuổi thơ đến tận xóm, tận làng. Từ 30km biến thành 0”.

Chia sẻ về kế hoạch của dự án trong thời gian tới, chị Thảo mong muốn sân chơi Cầu Vồng sẽ tiếp tục kiến tạo không gian chơi an toàn và sáng tạo cho trẻ em trên toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực mới như Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời thiết lập sổ tay về thiết kế không gian chơi an toàn - sáng tạo tại Việt Nam dựa trên trải nghiệm và nghiên cứu của dự án.

Ngoài ra, sân chơi Cầu Vồng cũng mong muốn có thể xây dựng một mạng lưới tổ chức, cá nhân chuyên về lĩnh vực thiết kế sân chơi trẻ em và đặc biệt là thay đổi tư duy cộng đồng về tầm quan trọng của các sân chơi với sự phát triển chung của mỗi người.

Dù đứng trước nhiều thay đổi trong năm 2025, nhưng chị Thảo tự tin rằng, lòng nhiệt huyết của các tình nguyện viên dự án vẫn không thay đổi. “Điều mình thấy cảm động nhất mỗi khi làm dự án là lúc các anh em ôm vật liệu nặng hàng trăm ký, di chuyển liên tục nửa tiếng mà không xong, nhưng không ai chịu thua, ai cũng mệt rồi mà quyết tâm làm cho xong. Xong công việc, các anh em nhìn nhau vui lắm”.

Quả thật, dù mỗi thành viên vừa làm việc mưu sinh vừa chạy dự án, nhưng món quà các bạn nhận lại là vô cùng lớn. Đó là những tình bạn chân thành, tình tương trợ giữa người dân thành phố và vùng xa và đặc biệt hơn cả chính là nụ cười của các em nhỏ mỗi khi một sân chơi mới được hoàn thành. Đó cũng là động lực của các thành viên sân chơi Cầu Vồng, để sau này, mỗi em nhỏ trên cả nước đều có thể nở nụ cười và tận hưởng những hạnh phúc tuổi thơ ở xung quanh mình.

Các tình nguyện viên và trẻ em tại làng H'rang chụp ảnh lưu niệm tại "Vườn mầm Bazan". Ảnh nhân vật cung cấp

Dự án Sân chơi Cầu Vồng ra đời vào tháng 5/2022, dưới sự bảo trợ pháp lý của Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát. Dự án là một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực "kiến tạo không gian chơi lấy trẻ em làm trung tâm" với mục tiêu cung cấp thêm các trải nghiệm mới, gieo niềm vui và thúc đẩy sự phát triển của trẻ em ở những vùng còn khó khăn.

Sau hơn hai năm, 10 sân chơi đã được xây dựng tại 10 điểm trường (9 trường tiểu học và 1 trường mầm non), phần lớn tại Tây Nguyên. Mới đây, dự án đã vào top 5 đề cử Dự án trẻ vì cộng đồng của WeChoice Awards 2024.

Phú Quý
Bài viết cùng chủ đề: Tây Nguyên

Tin cùng chuyên mục