Khảo sát FTA Index: Cam kết bền vững theo các FTA chưa thật sự được phổ biến
Nhằm xây dựng mô hình tính toán Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index), năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành việc khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
Từ kết quả khảo sát thu thập được, Bộ Công Thương đã thử nghiệm xây dựng mô hình tính toán Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA Index và kiểm định tính đúng đắn của mô hình.
Khảo sát FTA đã được Bộ Công Thương thực hiện với khoảng 1.650 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đáng chú ý, chiếm phần đa các doanh nghiệp tham gia khảo sát là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (67,68%). Khảo sát cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp là công ty cổ phần (20,36%), doanh nghiệp tư nhân (10,49%) và các loại hình khác (1,47%).
Mức độ phổ biến các cam kết về bền vững theo FTA vẫn còn hạn chế. Ảnh: TTXVN |
Theo kết quả khảo sát xây dựng Bộ chỉ số FTA Index năm 2021, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, các nội dung về thực hiện cam kết bền vững theo các FTA chưa thật sự được phổ biến.
Trong đó, chỉ có 21% doanh nghiệp biết đến các quy định về phát triển bền vững do chính quyền địa phương ban hành; 44% doanh nghiệp cho biết có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát triển bền vững; 18% doanh nghiệp đã tham gia các chương trình hỗ trợ này.
Ngoài ra, Công ty cổ phần tiếp tục là loại hình dẫn đầu trong tỷ lệ so với hai nhóm công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân. Nhóm các doanh nghiệp lớn đang có cơ hội tiếp cận nhiều hơn đến các chính sách và chương trình về phát triển bền vững so với nhóm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, doanh nghiệp đang hoạt động tại Tây Nguyên nhìn chung thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nội dung về cam kết bền vững, trong khi đó Đông Nam Bộ là khu vực mà doanh nghiệp có tỷ lệ biết đến các quy định và các hoạt động về phát triển bền vững còn khá thấp, Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ được tham gia ít nhất trong số 6 vùng địa lý theo khảo sát FTA.
Các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ dường như chưa có cơ hội tiếp cận nội dung này nhiều như các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Mức độ chênh lệch thể hiện rõ nhất ở việc biết đến các chương trình và được tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát triển bền vững.
Báo cáo đánh giá, các doanh nghiệp tương đối hài lòng với việc thực hiện thủ tục để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững. 62,5% đánh giá thủ tục hoàn toàn thuận lợi và 64,8% đánh giá hỗ trợ đó hoàn toàn hữu ích với doanh nghiệp.