Thứ bảy 28/12/2024 17:22

Khánh Hòa cần phấn đấu là trung tâm kinh tế động lực của vùng

Việc xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng cần một tinh thần bứt phá, tập trung phát triển có chiều sâu, có trọng điểm, tạo dựng nền tảng vững chắc để phát triển bền vững, lâu dài đưa Khánh Hòa trở thành một điểm sáng phát triển, Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh, khu vực và của cả nước như Kết luận số 53-KL/TW và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Đó là nhấn mạnh của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hoà về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 11/5 tại TP. Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Hướng tới mục tiêu trung tâm kinh tế biển và du lịch – dịch vụ của cả nước

Báo cáo với đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết: giai đoạn 2013 – 2020, kinh tế Khánh Hòa phát triển tương đối ổn định với tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt 4,7%/năm (giai đoạn 2013-2019, đạt 7,5%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó, đến năm 2020 tỷ trọng dịch vụ - du lịch chiếm 52,31%, công nghiệp - xây dựng 26,65%, nông - lâm - thủy sản 10,71%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GRDP chiếm bình quân 36,25%/năm; năng suất lao động bình quân tăng 5,8%/năm.

Trong giai đoạn này, Khánh Hòa thu hút 425 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 232.968 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 279.302 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm; năm 2020 gấp 2,4 lần so với năm 2013; đạt tỷ lệ 53,5% GRDP giai đoạn 2016-2020, cao hơn bình quân cả nước cùng giai đoạn.

Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012, của Bộ Chính trị (Kết luận 53-KL/TW) về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân; là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước. Trong đó, việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong được xác định không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

Nhiều ý kiến đóng góp cho phát triển của Khánh Hòa đã được đưa ra tại hội nghị

Đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; Đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; Đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại; thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Riêng đối với việc phát triển khu kinh tế Vân Phong, tỉnh xác định đặt mục tiêu phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh và phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thanh trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển,... của khu vực và cả nước.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành và Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá cao giai đoạn phát triển của Khánh Hòa, tuy nhiên, địa phương vẫn chưa phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế; về tài nguyên nguyên biển, đảo…

Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, để Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh đề xuất đưa việc tổng kết Kết luận 53-KL/TW vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2022, Khánh Hòa cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai tổng kết và đề xuất với Bộ Chính trị ban hành kết luận/nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, bên cạnh việc đề xuất các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp mới, cần làm rõ đặc thù của đô thị trực thuộc Trung ương (Hải Phòng là Thành phố Cảng quốc tế; Cần Thơ là Trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thừa Thiên Huế là Thành phố di sản…) cũng như luận giải một cách có khoa học và thực tiễn về mô hình phát triển; thể chế quản lý; các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp đối với Khu kinh tế Vân Phong. Ngoài ra, Khánh Hòa cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh.

Vân Phong- Nhiều yếu tố hội tụ để phát triển thành khu kinh tế đa ngành

Đối với Khu kinh tế Vân Phong, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cáo tiềm năng đối với Khu kinh tế Vân Phong

"Khu kinh tế Vân Phong không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Vân Phong phải hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp (thuỷ, hải sản) và dịch vụ; về thể chế và mô hình phát triển; về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh…", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý một số vấn đề đối với việc phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Đối với công tác quy hoạch, đề nghị nghiên cứu bổ sung phát triển trung tâm logistics hub, kết nối giao thương, phát triển dịch vụ thương mại (kho bãi, dịch vụ cảng biển) để tận dụng vị trí địa lý thuận lợi và kết hợp phát triển thúc đẩy Cảng trung chuyển. Đồng thời, để đảm bảo vận hành có hiệu quả Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu kinh tế được vận hành hiệu quả, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư được nhanh gọn, thực hiện cơ chế một cửa, tại chỗ triệt để trong việc giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Khu kinh tế. Về việc phát triển hạ tầng, đề nghị tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối các đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với đoàn công tác và cá nhân đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương về sự quan tâm và những ý kiến chỉ đạo sâu sắc. Thay mặt cho Thường vụ tỉnh ủy, đồng chí hứa toàn thể cán Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chỉ đạo tại buổi làm việc hôm nay, đưa Khánh Hòa trở thành một điểm sáng phát triển của khu vực và cả nước, Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh, khu vực và của cả nước như Kết luận số 53-KL/TW và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Hầu Tỷ
Bài viết cùng chủ đề: Vụ Quản lý các Khu kinh tế

Tin cùng chuyên mục

Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Giữ vững tinh thần tiên phong trong cải cách và đổi mới

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư

Nhân sự 27/12: Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Hà Giang, Bắc Giang có tân Phó Bí thư Tỉnh ủy

Thủ tướng: Ngành Nông nghiệp phải bứt phá trong năm 2025, xuất khẩu đạt 70 tỷ USD

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về phương án hợp nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Chùm ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 của Cục Công nghiệp

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Không để gián đoạn việc thực hiện chính sách an sinh

Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ tâm tư khi sáp nhập với Bộ Nội vụ

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024

Thời điểm 'hội tụ' để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nhân sự 26/12: Thủ tướng giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; tỉnh Kiên Giang có tân Chủ tịch HĐND

Phó Thủ tướng: Không 'đẽo cày giữa đường' khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tái cơ cấu, tạo 'sức sống mới' cho ngân hàng VDB

Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình quốc thư

Thương mại Nga-Việt Nam tăng mạnh: Cơ hội vàng cho hợp tác công nghiệp song phương

Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới