Khai thác tiềm năng xuất nhập khẩu với thị trường Nam Á
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), châu Á là thị trường gần gũi đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường các nước Nam Á ít được nhắc đến và khai thác tối đa lợi nhuận. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hình dung hết Nam Á gồm các quốc gia nào. Hầu hết các doanh nghiệp đều thấy thiếu thông tin về thị trường này và gặp khó khăn trong di chuyển đi lại.
Thị trường còn nhiều dư địa
Mặc dù vậy, Nam Á là một thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, Nam Á là thị trường có quy mô lớn khi nhiều nước có số dân nằm trong nhóm 10 nước đông dân nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của toàn khu vực trong thập kỷ qua là 4,8%, trong đó Bangladesh và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Theo số liệu của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới của Ấn Độ. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ liên tục tăng trưởng. Trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 11 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nông sản, thủy sản là lĩnh vực Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác và có thể bổ sung cho nhau. Các sản phẩm nông, thủy sản mà Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu có thể kể đến như hoa quả chế biến, trái cây tươi (mà cụ thể là quả thanh long), chè, cà phê, gia vị, ngũ cốc và các loại hạt, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, cá tra/basa… Đây cũng là các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng Ấn Độ cũng như phục vụ cho các doanh nghiệp Ấn Độ chế biến xuất khẩu.
Tại hội thảo, chia sẻ thông tin về thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết: với quy mô dân số lớn với sức mua gần 1,4 tỷ người, gấp hơn 2 lần ASEAN, xã hội Ấn Độ rất đa dạng, phân hóa giàu nghèo và giai tầng trong xã hội còn rất lớn, theo một báo cáo gần đây, chỉ 5% số lượng người giàu nhất Ấn Độ đã chiếm gần 70% tổng tài sản quốc gia.
Tổng tài sản của 1% người giàu nhất Ấn Độ gấp hơn 4 lần tài sản của 70% dân số nghèo Ấn Độ. Theo báo cáo của IMF, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ đạt khoảng 2.200 USD trong năm 2021, do đó, Ấn Độ là một thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam với dải sản phẩm trải rộng từ những sản phẩm yêu cầu chất lượng thấp, trung bình đến cao cấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên xác định rõ phân khúc khách hàng muốn hướng tới, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Một thị trường tiềm năng khác đối với doanh nghiệp Việt Nam là Bangladesh. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 6,4% trong 10 năm qua, Bangladesh là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Nam Á. Mặc dù năm 2020, nhiều nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm thì Bangladesh là một trong số ít các quốc gia tăng trưởng dương và đạt mức tăng trưởng 2,4%. Kinh tế Bangladesh phụ thuộc phần lớn vào ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ngày càng tăng và chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này trong 20 năm qua. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Bangladesh bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt, may, xơ, sợi dệt các loại, clinker và xi măng, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ sắt thép.
Doanh nghiệp cần thận trọng khi khai thác thị trường
Ấn Độ có hệ thống luật pháp theo hệ quy chuẩn của nước Anh, tương đối đồng bộ, chi tiết và cụ thể; tuy nhiên cũng khá phức tạp và khó hiểu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hết sức lưu ý trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, cần áp dụng các điều khoản giao hàng, thanh toán sao cho đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, sử dụng phương pháp thanh toán L/C trả ngay, không hủy ngang, mua bảo hiểm hàng hóa, không chấp nhận các điều kiện thanh toán có nhiều rủi ro như D/A hoặc D/P. Khi ký kết hợp đồng hoặc trao đổi cần tìm hiểu rõ thông tin cá nhân và pháp nhân của đối tác như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận xuất nhập khẩu, họ tên, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh người liên hệ, người ký hợp đồng….
Tương tự, đối với thị trường Bangladesh, theo doanh nhân Đỗ Trọng - Trưởng ban liên lạc người Việt tại Bangladesh, doanh nghiệp cần thận trọng khi tiếp cận thông tin, cần xác minh đánh giá doanh nghiệp, trạng thái doanh nghiệp. Đồng thời, ông Trọng cho biết, Bangladesh là quốc gia có nhiều thủ tục giấy tờ, trong đó có nhiều giấy phép con. Vì vậy, khi tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ các thủ tục cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần thận trọng với pháp luật của nước bạn, không nên vội vàng chuyển tiền cho phía đối tác, đồng thời cần nhất quán trong từng câu chữ trong hợp đồng. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải thận trọng với các cơ quan không chính thức, nên tận dụng sự giúp đỡ của các cơ quan tại Việt Nam. Khi bắt đầu xâm nhập thị trường Bangladesh, doanh nghiệp nên cử đại diện tới đây.