Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (Quảng Nam) có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học với 125 hecta rạn san hô, 30 hecta thảm cỏ biển phân bố xung quanh các đảo; 506 tấn trên rạn san hô và hơn 11 ngàn tấn ở vùng đáy mềm xung quanh các đảo.
Với sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Nam nói chung, TP. Hội An nói riêng, trong việc bảo vệ mội trường, chống rác thải nhựa, qua 10 năm trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm vẫn giữ được cơ bản vẻ đẹp nguyên sơ và đa dạng sinh học.
Mỗi ngày có tới 3.000 lượt khách ra đảo Cù Lao Chàm, gây áp lực lớn cho chính quyền TP. Hội An trong việc bảo vệ đa dạng sinh học |
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển du lịch nhanh, lượng khách du lịch ra đảo tăng mạnh, trong khi, vấn đề quy hoạch phát triển còn chồng chéo, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa có sản phẩm thay thế túi nilon, chưa tính toán được sức tải di sản… Cù Lao Chàm đang phải “gồng” mình bảo vệ môi trường.
Nếu năm 2009, Cù Lao Chàm đón hơn 15.000 lượt khách thì đến năm 2018, con số này đã lên đến 415 nghìn lượt (gấp 30 lần).
Theo TS. Nguyễn Văn Long, Ủy viên Viện Hải dương học, tính bình quân, một điểm đến du lịch không được vượt quá 2.400 lượt khách một năm. Cù Lao Chàm chỉ có khoảng 5, 6 điểm đến nhưng mỗi ngày đón gần 3000 du khách. “Chỉ cần một phép tính nhân đơn giản cũng đủ để thấy con số này quá khổng lồ so với 15km2 diện tích đảo”, ông Long nói và cho rằng sự phát triển du lịch này đã khiến các rạn san hô và thảm cỏ biển không còn duy trì tốt, nguồn lợi sinh vật trong hệ sinh thái bị đe dọa.
Còn ThS. Trần Hữu Vỹ, Trung tâm bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh thì cho rằng, trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng của Cù Lao Chàm chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan. Theo ông Vỹ, việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven bờ đảo hòn Lao phá vỡ tính liên tục của hệ sinh thái từ rừng xuống biển.
Để du lịch phát triển bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học ở Cù Lao Chàm, nhiều mô hình, sáng kiến đã được triển khai, nổi lên là mô hình đồng quản lý tài nguyên. Trong đó, xây dựng cơ sở khoa học và các luận cứ của phương thức “đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên” là việc làm tiên phong, là nền tảng cho mọi hoạt động bảo tồn tài nguyên; xây dựng các mô hình thí điểm, tổ chức, đánh giá, giám sát làm cơ sở nhân rộng; truyền thông nhân cao nhận thức của cộng đồng để họ tăng tính trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên và cần có sự phân rõ vai trò, trách nhiệm, lợi ích và tính bình đẳng của mỗi bên liên quan trong mô hình này.
Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, mô hình đồng quản lý tài nguyên được xác định và coi như là công cụ hỗ trợ hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học nhưng vẫn cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế xã hội tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Rạn san hô và thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm đang bị đe dọa do áp lực du lịch lớn |
Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức cũng được chính quyền TP. Hội An quan tâm, đặc biệt là nhận thức của người làm du lịch. Ngay từ năm 2009, tại bán đảo Cù Lao Chàm đã hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nilon trên đảo. Các đơn vị lữ hành phải thông báo cho khách khi ra đảo không được mang theo túi nilon. Hiện Cù Lao Chàm đang hướng đến không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. “Các đơn vị lữ hành ký cam kết về việc tuyên truyền đến du khách không mang sản phẩm nhựa một lần ra đảo. Trong trường hợp nếu lỡ mang ra thì phải mang về”, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ và cho biết thêm, không chỉ các đơn vị lữ hành mà người dân, các chủ tàu cũng tích cực tuyên truyền để góp phần nỗ lực bảo vệ môi trường của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.