Kết nối giao thương tìm hướng ra cho các sản phẩm hợp tác xã
Sáng 17/11, tại tỉnh Gia Lai, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương các Hợp tác xã năm 2022”.
Kết nối giao thương tìm đầu ra cho các sản phẩm của hợp tác xã |
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 150 siêu thị, doanh nghiệp phân phối, xuất nhập khẩu, chế biến, đơn vị cung ứng vật tư đầu vào, các nhà đầu tư, tổ chức tài chính; các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại tại các điểm cầu trên toàn quốc.
Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh Gia Lai đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ về quy trình sản xuất an toàn, sản lượng sản phẩm của đơn vị; đồng thời đưa ra những giải pháp để kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước một cách có hiệu quả.
Theo ông KoBa – Giám đốc ngành hàng Công ty Koba Planning (Nhật Bản), hiện nay rất nhiều đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường, đặc biệt là tiếp cận với thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Nhật Bản. Nguyên nhân chính là do các hợp tác xã, doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, cụ thể: vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chưa thật sự áp dụng các quy chuẩn sản xuất nông sản sạch theo tiêu chí của những thị trường khó tính…
Để đảm bảo các sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận và được đón nhận của người tiêu dùng nước ngoài, trong đó có thị trường Nhật Bản, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân cần trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức sản xuất nông nghiệp sạch, các sản phẩm làm ra phải đạt các chứng nhận về chất lượng theo tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu… “Riêng thị trường Nhật Bản, luôn yêu cầu chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, hàm lượng dinh dưỡng của các loại nông sản.” – Ông Koba nhấn mạnh.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại cho các Hợp tác xã khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022 |
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Sản phẩm của các hợp tác xã khu vực miền Trung-Tây nguyên được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP đang từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại và hầu hết đã có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, các hợp tác xã cần chú trọng giữ gìn chữ tín trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình hoạt động cần nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ trong quản lý, sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cần chủ động trong việc tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm: Các địa phương, hợp tác xã có nhu cầu kết nối cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng, thời điểm cung cấp; tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã, xây dựng các chương trình tuyên truyền có tính kết nối vùng; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất…
Tại hội nghị lần này, còn diễn ra các hoạt động kết nối giao thương trực tiếp, ký kết hợp đồng, biên bản hợp tác giữa HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ, giữa các HTX với nhau, HTX với các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại; các hình thức hợp tác, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thông tin những yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của HTX để vào các hệ thống siêu thị....
Được biết, chương trình là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ xúc tiến thương mại cho các Hợp tác xã khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022 được tổ chức tại Gia Lai.