Các doanh nghiệp ngành Công Thương chủ động đón sóng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 |
Nhận diện cơ hội, thách thức
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, Tập đoàn UPS (Mỹ), Tập đoàn Siemens (Đức)… tổ chức thành công nhiều hội thảo lớn về CMCN 4.0 nhằm truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, lồng ghép nội dung giới thiệu về CMCN 4.0 vào hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, hội thảo với các trường thuộc Bộ; đẩy mạnh cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp (DN), các xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh của DN và cơ hội cho DN tiếp cận, làm chủ trong cuộc CMCN 4.0.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đang phối hợp với Tổ chức phát triển của UNDP thực hiện khảo sát về tác động và tính sẵn sàng của DN trong việc tiếp cận và chuyển đổi sang mô hình DN số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn sử dụng phương pháp, chỉ tiêu và bộ công cụ đánh giá do Quỹ IMPLUS của Liên đoàn Kỹ thuật Đức phát triển, có điều chỉnh phù hợp với điều kiện của các DN Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành gửi phiếu tới 15.000 DN cho 17 nhóm ngành/lĩnh vực sản xuất thuộc diện quản lý của Bộ Công Thương. Đồng thời, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội sản xuất công nghiệp và sở công thương tại các tỉnh, thành phố đôn đốc, phối hợp. Kết quả từ cuộc khảo sát là căn cứ quan trọng để điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển ngành; đề xuất một số ngành ưu tiên đầu tư, phát triển; hỗ trợ DN nâng cao khả năng tiếp cận và tận dụng các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0
Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 và từng bước xây dựng các mô hình nhà máy thông minh đã trở thành nội dung trọng tâm ưu tiên trong Đề án Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương cùng nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ. Hiện nay, Bộ Công Thương đang trao đổi, thảo luận với một số công ty, viện nghiên cứu, các tổ chức tư vấn để xác định nội dung và các dự án triển khai liên quan tới ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào DN trong thời gian tới.
Cụ thể, trong các năm 2018, 2019, thực hiện Dự án Nghiên cứu thiết kế và triển khai hệ thống giám sát, điều hành sản xuất trực tuyến tại Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội; nghiên cứu và ứng dụng hệ thống ERP giúp quản lý quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, độ tin cậy, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Led và điện tử, đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu mục tiêu tại châu Âu và Bắc Mỹ do Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thực hiện.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương cũng đã chủ động đón sóng cuộc CMCN 4.0. Không dừng lại ở các hoạt động có tính chất tìm hiểu, phổ biến thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp này, các tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đã hợp tác với đối tác nước ngoài có tiềm lực trong cung cấp công nghệ, giải pháp về CMCN 4.0 vào quá trình sản xuất của đơn vị…
Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào quản lý và điều hành, nhằm hỗ trợ và tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý của Bộ. |