Hộp thư bạn đọc ngày 17/1: Sở Y tế Quảng Bình chậm thanh toán tiền, Nhà máy gỗ gây ô nhiễm
Báo Công Thương nhận được các thông tin phản ánh: Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; Sở Y tế Quảng Bình chậm chễ thanh toán tiền công cho nhà thầu; Dấu hiệu mạo danh công ty chứng khoán lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Người dân phản ánh: Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân (tại thôn Quảng Cộng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạm Xuân (Công ty Đạm Xuân) gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Được biết, nhà máy chế biến gỗ này nằm trên khu đất có tổng diện tích 23.984,4m2. Công suất hoạt động gỗ xẻ ván nan là 20.000; dăm gỗ 5.000 tấn/năm; mùn gỗ 4.500 tấn/năm.
Năm 2018, nhà máy đi vào hoạt động đã xảy ra tình trạng ô nhiễm bụi, mùi khét, tiếng ồn diễn ra khá thường xuyên khiến người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực. Hiện nay, nhà máy sản xuất thêm sản phẩm là viên nén gỗ khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng hơn.
Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân gây ảnh hưởng cuộc sống người dân |
Khu vực xung quanh nhà máy như cây xanh, mái nhà đều bị phủ bụi. Bụi gỗ từ các lò đốt cứ thế bay vào các hộ gia đình khiến họ quét cả ngày cũng không sạch. Người dân sinh sống tại đây luôn cảm thấy ngột ngạt, khó thở...
Trước thực trạng này, các hộ dân đã phản ánh đến chủ nhà xưởng, Công ty Đạm Xuân nói sẽ khắc phục, nhưng qua nhiều lần, tình trạng trên vẫn không thay đổi.
Thông tin phản ánh: Một số nhà thầu phụ thi công phần kính, sơn của dự án Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe tỉnh Quảng Bình cho rằng, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình chậm chễ thanh toán tiền thi công cho nhà thầu khiến doanh nghiệp gặp khó, không có thể có tiền chi trả cho công nhân về ăn Tết. Điều này khiến hàng chục công nhân đang lo lắng gặp khi đứng trước tình cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần.
Cụ thể, các nhà thầu phụ cho rằng quá trình làm việc với nhà thầu chính của dự án là Công ty Cổ phần đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hà Nội thì được câu trả lời khối lượng được chủ đầu tư nghiệm thu. Nhà thầu chính thanh toán, xuất hóa đơn nhưng đang bị Sở Y tế Quảng Bình giữ tại tài khoản phong tỏa. Đến giờ này, nhà thầu chính vẫn chưa nhận được thanh toán.
Theo đó, ngày 20/1/2012, Địa ốc Hà Nội có ký kết hợp đồng thi công xây dựng công trình số 06/2016/HĐXL/TTGDSK với Sở Y tế Quảng đối với gói thầu: Xây lắp khối nhà chính và các hạng mục phụ trợ thuộc Dự án Trunhg tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Bình với tổng giá trị lên tới hơn 40,3 tỷ đồng. Theo nội dung hợp đồng thi công xây dựng công trình, công ty Địa ốc Hà Nội phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng có giá trị hơn 2 tỷ đồng, tương đương 5% giá trị hợp đồng.
Liên quan đến việc này Công ty Địa ốc Hà Nội đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư giải tỏa tài khoản ngân hàng số 53110001538009 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Bình (tài khoản chuyên chi do sở y tế Quảng Bình quản lý) có số dư là 2.726.092.000 đồng. Đây là giá trị khối lượng mà Công ty Địa ốc Hà Nội đã thực hiện, được các bên nghiệm thu, thanh toán và công ty đã xuất hóa đơn VAT cho chủ đầu tư (chưa kể một số hạng mục đã thi công dở dang tại hiện trường chưa nghiệm thu thanh toán). Công ty Địa ốc Hà Nội cho rằng vì sự thiện chí của mình để hoàn thành công trình nên đã chấp thuận để chủ đầu tư quản lý tài khoản trên với mục đích chi đúng các công việc cho các đơn vị cung cấp, các tổ đội nhân công thi công tại hiện trường theo từng phần công việc. Đến nay, dịp Tết Nguyên đán 2023, các tổ đội và đơn vị cung cấp đã xác nhận khối lượng, đối chiếu công nợ và Công ty Địa ốc Hà Nội có Văn bản số 03/CV-HDL ngày 12/01/2023 đề nghị chủ đầu tư giải tỏa để thanh toán khối lượng cho các đơn vị cung cấp, các tổ đội nhân công (có bảng danh sách kèm theo). Tuy nhiên, đến nay Sở Y tế Quảng Bình vẫn chưa thanh toán khiến các nhà thầu gặp khó trong việc thanh toán tiền công cho công nhân khi Tết đang đến cận kề.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ với số điện thoại 097772xx72 được cho là của ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình nhưng không được phản hồi.
Khách hàng phản ánh: Website csi-securities.vip lừa đảo khách hàng mua cổ phiếu thưởng.
Theo khách hàng L.T.H (Ninh Bình) phản ánh, chị bị nhóm người sử dụng hình ảnh Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI Securities) và mời khách hàng vào trang website csi-securities.vip/wap. Sau đó, nhóm đối tượng này lập nhóm Telegram và trao đổi kiến thức về chứng khoán cũng như cơ hội đầu tư.
Tin nhắn các đối tượng tư vấn cho khách hàng |
Nhóm này đưa ra các gói cổ phiếu thưởng để khách hàng lựa chọn đầu tư như: TCB, CSI, VNM. Theo đó, mã TCB mức vốn tối thiểu là 10 triệu đồng, mã CSI mức vốn để tham gia là 80 triệu đồng, mã VNM mức vốn tối thiểu là 300 triệu đồng. Các đối tượng liên tục hứa lợi nhuận có thể đạt đến 30%.
Theo đó, chị L.T.H đã nạp vào tổng số tiền 200 triệu qua nhiều đợt, qua nhiều tài khoản người nhận khác nhau. Sau khi đầu tư một thời gian, chị H. muốn rút tiền về thì không thể thực hiện được. Sau đó các đối tượng đã xóa nhóm Telegram và tắt liên lạc. Chị H. đã tìm cách liên lạc nhiều lần nhưng không được.
Theo tìm hiểu, website chính thức của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam là https://vncsi.com.vn/. Có thể các đối tượng lừa đảo đã mạo danh hình ảnh của công ty chứng khoán này để lừa đảo các nhà đầu tư thiếu hiểu biết. Thực trạng này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan chứng khoán và báo chí cảnh báo rất nhiều lần.
Do đó, trước khi tham gia đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ và cẩn thận trước khi đưa ra quyết định đầu tư.