Hơn 700 tấn hàng bị ùn ứ bởi sự cố sập cầu Ghềnh
Xe tải xếp hàng chờ bốc dỡ hàng hóa để vận chuyển cho khách hàng (Ảnh chụp trưa 22/3 tại Ga Sóng Thần - Bình Dương) |
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, hàng hóa từ Nam ra Bắc bị nghẽn khoảng vài chục toa, chiều ngược lại khoảng vài trăm toa. Mỗi toa nhẹ thì 20 tấn, nặng là 30 tấn.
Tại Ga Sóng Thần, thiệt hại do sự cố gây ra đã làm ảnh hưởng tới rất nhiều DN, bà Trần Thị Cư - Trưởng trạm Vận tải hàng hóa vận Ga Sóng Thần (Bình Dương) - cho biết, hiện hàng hóa chưa làm hóa đơn và làm hóa đơn rồi còn 28 toa. Tính bình quân 26 tấn/toa thì tổng cộng có 728 tấn hàng đang tồn đọng.
Theo bà Trần Thị Cư, tại ga Sóng Thần có 3 đơn vị vận chuyển hàng hóa đang hoạt động, bao gồm Chi nhánhVận tải đường sắt Sóng Thần, Chi nhánh Vận tải phía Nam và một công ty chuyên vận chuyển cotainer. Thời gian qua tình hình kinh doanh hoàn toàn ổn định song sự cố sập cầu Ghềnh khiến DN điêu đứng. Ước tính thiệt hại của 3 công ty vận tải nêu trên trong một tuần từ sự cố sập cầu Ghềnh là 13.375 tấn hàng, tương đương số doanh thu gần 8,2 tỷ. Khó khăn hơn, nếu thời gian khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh kéo dài 3,5 tháng, khi đó tổng số tiền thiệt hại của ba công ty này sẽ ở mức 100 tỷ đồng.
Chung cảnh ngộ, đại diện Công ty TNHH Một thành viên An Trung Phong (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện nay công ty có khoảng 500 tấn hàng không thể vận chuyển theo hợp đồng với đối tác. Trong đó bao gồm, 350 tấn hàng đang ùn ứ tại kho công ty và 150 tấn hàng đã lên tàu trong ngày 20/3 nhưng vì cầu sập cho nên tàu phải kéo về.
Để khắc phục sự cố, một chủ hàng tại Bình Dương cho hay trước mắt chọn hình thức vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường bộ để giải quyết đơn hàng cho khách. Tuy nhiên, việc chọn các hình thức này sẽ khiến chi phí tăng hơn, lợi nhuận của DN giảm theo. Theo tính toán, nếu chi phí vận chuyển bằng đường sắt khoảng 15 triệu đồng/toa thì vận chuyển bằng đường bộ sẽ bị đội lên đến 30 triệu đồng/toa. Trung bình một tháng DN này vận chuyển khoảng 1.000 tấn hàng đi các tỉnh, với chi phí như vậy sẽ phải chi thêm 500 triệu đồng.
Liên quan đến phương án giải quyết hàng ùn ứ nhằm hỗ trợ DN, Tổng công ty đường sắt có quyết định tiếp tục tổ chức vận chuyển hành hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai (Đồng Nai). Tất cả chi phí này ngành đường sắt sẽ chịu hết. Đặc biệt, ngành đường sắt sẽ tiếp nhận toàn bộ khách hàng có nhu cầu vận chuyển với khuyến mại, giảm giá 10 - 15%.
Trưa 20/3, tàu kéo sà lan lưu thông theo hướng từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860, thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An). Vụ va chạm làm gãy trụ cầu và làm sập nhịp 2 và 3 của cầu. Tai nạn xảy ra làm nhịp 3 bị rơi và nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu cầu Bắc rơi gác lên trụ số 1. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn cung đường Dĩ An - Biên Hòa. |