Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam |
Sẻ chia với phóng viên Báo Công Thương về những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay trên chặng đường 70 năm của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Trong trái tim bao thế hệ những người làm báo ViệtNam, điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhấtđó là làm báo là để phục vụ đấtnước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Thưa ông, những người làm báo cả nước tự hào về những đóng góp của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) trong chặng đường 70 năm qua. Nhận định của ông về vấn đề trên?
Ông Hồ Quang Lợi: Ra đời trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Kể từ ngày thành lập đến nay, HNBVN đã chứng minh một điều hết sức cơ bản Hội là tổ chức thống nhất duy nhất của tất cả người làm báo cách mạng trong cả nước. Ở mọi giai đoạn lịch sử, đội ngũ người làm báo luôn nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất.
Nhìn lại chặng đường 70 năm, HNBVN với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, có thể tự hào về những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Những thuộc tính chính trị, xã hội, nghề nghiệp được gắn bó hữu cơ với nhau, tạo tiền đề cho các hội viên nhà báo phấn đấu thực hiện mục tiêu cuối cùng là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNBVN trong tình hình mới. Cảm xúc của ông về Chỉ thị này như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Quang Lợi: Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập HNBVN là niềm vui, niềm cổ vũ lớn đối với báo giới cả nước. Chỉ thị số 43 không chỉ khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với báo chí mà còn thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vai trò quan trọng của HNBVN trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.
Chỉ thị đã đề cập toàn diện các mặt hoạt động của HNBVN. Đây là cơ sở để các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản đề ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho HNBVN hoạt động hiệu quả. Qua Chỉ thị, các cấp hội, toàn thể đội ngũ những người làm báo càng thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước để từ đó nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức HNBVN và nền báo chí cách mạng ngày càng vững mạnh.
Báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống, xã hội, nhất là trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những người làm báo luôn có mặt ở những điểm “nóng” của đất nước, thậm chí đối diện với không ít hiểm nguy, rủi ro. Với vai trò của mình, HNBVN đã đồng hành, chia sẻ, bảo vệ những người làm báo như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Quang Lợi: Cách đây không lâu, một cuộc khảo sát, nghiên cứu về các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp đã được thực hiện bởi Tổ chức RED Communication (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có chức năng nghiên cứu về lĩnh vực truyền thông phát triển) thực hiện trên quy mô toàn quốc với các loại hình báo chí và phóng viên thuộc nhiều lứa tuổi cũng như có thâm niên công tác khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy hành vi cản trở báo chí tác nghiệp rất đa dạng, có thể liệt kê thành 12 nhóm và cho kết quả cụ thể như sau: Nhóm 1: né tránh cung cấp thông tin (52,60%); nhóm 2: gây khó dễ (47,66%); nhóm 3: mua chuộc (24,48%); nhóm 4: gián tiếp ngăn chặn các hoạt động tác nghiệp (33,85%); nhóm 5: thu giữ phương tiện tác nghiệp (20,57%); nhóm 6: phá hoại phương tiện tác nghiệp (12,24%); nhóm 7: đe dọa (18,49%); nhóm 8: giữ người (14,32%); nhóm 9: quấy rối tình dục (4,69%); nhóm 10: vu khống (9,11%); nhóm 11: hành hung, gây thương tích (9,11%); nhóm 12: trả thù (7,55%). Ðáng chú ý là các hành vi đe dọa, khủng bố, trả thù không chỉ nhằm trực tiếp vào phóng viên mà còn cả với gia đình và người thân họ.
Trước thực tế trên, HNBVN sẽ tiếp tục là chỗ dựa tin cậy cho các nhà báo, hội viên của mình trong quá trình tác nghiệp. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của HNBVN luôn hướng về hội viên, để chúng ta ngày càng siết chặt đội ngũ, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Theo đó, HNBVN đã tiến hành hàng loạt biện pháp để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đây là ba yếu tố căn cốt nhất, có tính chất sống còn đối với phẩm chất, năng lực của người làm báo. Trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, về lĩnh vực báo chí nói riêng. Qua đó, mỗi hội viên, mỗi cấp hội thấm nhuần tinh thần làm báo là làm cách mạng, cán bộ báo chí là cán bộ của Đảng, làm nghề là vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Các nhà báo luôn có mặt ở những điểm |
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được xem là những định hướng quan trọng, cần thiết để báo chí Việt Nam tái cấu trúc lại và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Nhận định của ông về những đóng góp của HNBVN trong quy hoạch này?
Ông Hồ Quang Lợi: Thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 mang đến những điều tích cực cho báo chí cả nước, để báo chí đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để nhóm lợi ích chi phối. Thực hiện đúng quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển mạnh và bền vững, làm tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội cũng như hạn chế được sự chồng chéo và lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, quy hoạch sẽ góp phần ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực trong đời sống báo chí.
Tuy nhiên, việc quy hoạch cũng tác động trực tiếp đến đời sống báo chí và đời sống của từng nhà báo, hội viên, các cấp hội và cơ quan báo chí. Đã có nhiều cơ quan báo chí hoặc sáp nhập, hoặc chuyển từ báo thành tạp chí. Điều đó dẫn đến nhiều nhà báo thiếu hoặc thậm chí là mất việc làm hoặc chuyển sang làm việc khác.
Với trách nhiệm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, HNBVN đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và luôn luôn sát cánh cùng các cấp hội, các hội viên; HNBVN đề nghị các cấp từ trung ương đến địa phương khi thực hiện Quy hoạch báo chí cần quan tâm thích đáng để giải quyết, hỗ trợ một cách cụ thể, thiết thực nhằm bảo đảm hoạt động thuận lợi và hiệu quả của các cơ quan báo chí, đồng thời bảo đảm đời sống ổn định, lợi ích hợp pháp của các hội viên, nhà báo.
Trân trọng cảm ơn ông!