Thứ sáu 22/11/2024 04:16

Hoàn thiện thể chế nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư

Nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, đấu thầu được sửa đổi được đánh giá là cải cách lớn, giúp giải phóng nguồn lực đầu tư.

Ngày 30/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, sau phiên họp toàn thể tại hội trường, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về 4 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Một phiên họp tại tổ 4 sáng 30/10

Cải cách đột phá trong thủ tục đầu tư

Thảo luận tại tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (dự thảo Luật), các đại biểu cơ bản thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Để tháo gỡ kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, góp ý cụ thể về dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, về quy định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đại biểu nêu rõ, hiện nay hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chưa được quy định trong dự thảo Luật Đầu tư.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Thực tế, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải thực hiện cả hai thủ tục là chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 chỉ quy định 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020, không quy định việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.

Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 32/2024/NĐ-CP”- đại biểu Ma Thị Thúy góp ý.

Liên quan đến năng lực tài chính của nhà đầu tư qui định về vốn chủ sở hữu tối thiểu quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 quy định những tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, nhưng không quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu để bảo đảm khả năng huy động vốn thực hiện dự án đầu tư nên không có cơ sở thẩm định.

Để đảm bảo huy động các nguồn lực thống nhất giữa các dự án, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Về thủ tục đầu tư đặc biệt, tại Điều 36a quy định trình tự đặc biệt áp dụng đối với 1 số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế. Theo đó, dự án đầu tư thực hiện theo thủ tục này sẽ không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép xác nhận và các yêu cầu thuộc lĩnh vực: Xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy.

"Quy định này là bước cải cách đột phát rất lớn về thủ tục thực hiện các dự án đầu tư sẽ rút ngắn rất nhiều về thời gian và thực hiện dự án."- đại biểu Thúy cho hay.

Tuy nhiên quy định này cũng liên quan nhiều đến các văn bản pháp luật khác như: Đất đai, xây dựng, về chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy nhưng lại không đồng thời sửa đổi các quy định tại các văn bản pháp luật trên có thể dẫn đến các tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất khi áp dụng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định liên quan để đảm bảo luật đồng bộ trong thực thi.

Làm rõ phạm vi quyền hạn của UBND cấp tỉnh

Liên quan thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) dẫn chiếu, tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1.4.2024 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, dự án sản xuất điện gió ngoài khơi. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này tại dự thảo Luật.

Đại biểu Đỗ Văn Yên- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Còn theo đại biểu Đỗ Văn Yên- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của các luật.

Đối với dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, điều chỉnh mối quan hệ giữa các quy hoạch tại khoản 1, Điều 5 và Điều 6, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật đã xác định rõ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là quy hoạch kỹ thuật và quy hoạch chuyên ngành như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia từ đó nâng cao hiệu quả và đồng bộ của quá trình phát triển.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm Quy hoạch công nghiệp dược, Quy hoạch Du lịch vào luật.

Đối với dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo điểm d, g khoản 1 của Điều 31 của Luật Đầu tư, dự thảo phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án cảng biển, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng.

"Tôi cho rằng đề xuất này là hợp lý, vì vừa giúp giảm tải cho cấp trung ương vừa nâng cao tính chủ động của địa phương. Nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều địa phương có nhu cầu phát triển hạ tầng cảng biển nhưng gặp khó khăn phải chờ quyết định từ trung ương làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai"- đại biểu Đỗ Văn Yên nhấn mạnh và đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, qui định cụ thể các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án làm và làm rõ phạm vi, quyền hạn của UBND cấp tỉnh đối với các dự án cảng biển loại I và loại II, điều này để tránh chồng chéo, xung đột với Luật Đất đai 2024.

Về dự thảo bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, bổ sung điều 36a đại biểu cho rằng, để quy định thủ tục đầu tư đặc biệt cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đây là quy định có tác động rất lớn cho phép rút ngắn thời gian giấy phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Do đó, để tránh rủi ro và minh bạch trong lựa chọn dự án, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung tiêu chí lựa chọn để tránh việc lạm quyền hoặc thiếu minh bạch trong quản lý các dự án.

Về nội dung Luật sửa đổi Đấu thầu: Quy định đấu thầu trong nước đối với các sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài tại Khoản 11 Điều 4 đề xuất cho phép các nhà thầu nước ngoài được tham gia vào đấu thầu trong nước khi có vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Việc đấu thầu trong nước là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có lợi thế tuy nhiên Ban soạn thảo cần quy định rõ điều kiện doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia đấu thầu để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong nước mà vẫn đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ quốc tế.

Về chọn nhà thầu ở trong trường hợp đặc biệt, dự thảo đã mở rộng thêm thẩm quyền áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đăc biệt rất cần thiết giúp linh hoạt hơn trong quản lý các gói thầu triển khai gấp, hoặc các gói thầu có tính chất đặc biệt như quốc phòng, an ninh. "Theo tôi, cần đánh giá kỹ tác động để tránh lạm dụng và thiếu minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thêm quy định kiểm soát rủi ro để đảm bảo hiệu quả thực thi"- đại biểu Đỗ Văn Yên góp ý.

Về đấu thầu trong nước, để tiết kiệm thời gian triển khai, Điều 42 của dự thảo luật, việc rút ngắn thời gian thực hiện dự án tạo linh hoạt cho nhà đầu tư, tuy nhiên luật cho phép chủ đầu tư hủy thầu mà không cần bồi thường, nếu dự án không được phê duyệt và ảnh hưởng đến quyền lợi nhà thầu. Đề nghị cân nhắc bổ sung trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư cũng như điều kiện để nhà thầu có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp ở trong trường hợp này.

Khơi thông nguồn lực cho phát triển

Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnhTuyên Quang khẳng định: Thống nhất cao cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Việc xây dựng ban hành 1 luật sửa 4 luật đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội đặc biệt giải quyết các vướng mắc cấp thiết trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trong thời gian qua liên quan đến các công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức PPP và hoạt động đấu thầu và đặc biệt sửa lần này đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnhTuyên Quang

Về dự thảo Luật Quy hoạch, về nội dung sử dụng chi thường xuyên trong thực hiện xây dựng các quy hoạch. Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, đối với các địa phương có điều kiện kịnh tế - xã hội khó khăn muốn được hỗ trợ các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện xây dựng các quy hoạch.

Do vậy, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “các nguồn vốn hợp pháp khác”, điều này nhằm giảm sử dụng ngân sách nhà nước đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương khó khăn có điều kiện sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác trong xây dựng các quy hoạch.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Còn theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi rà soát điểm d, khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư quy định “dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, cũng chưa xác định được việc chậm tiến độ sử dụng đất. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát thêm trường hợp này thì được quy định như thế nào? Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cơ quan đăng ký đầu tư, có được chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư không? Khi có quy định rõ sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho triển khai thực hiện.

Cũng theo đại biểu, Điều 81 Luật Đất đai 2024 có quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Vì vậy, cần rà soát khoản 8, Điều 81 Luật Đất đai để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh tình trạng luật ban hành nhưng chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Luật Đấu thầu sửa đổi

Tin cùng chuyên mục

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Phó Thủ tướng Lê Thành Long hội kiến Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Giá bất động sản phi mã, lao động, công chức khó có thể mua

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhiều mỏ cát phục vụ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan