Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020, xu hướng này tiếp tục giảm trong hơn nửa năm 2021 vừa qua với mức giảm lãi vay khoảng 0,55%/năm (tổng cộng đã giảm khoảng 1,55%/năm so với trước dịch). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu được giảm thêm lãi với các khoản nợ hiện hữu, sẽ là sự hỗ trợ thiết thực. Bởi dư nợ hiện tại còn chưa giải quyết được, thì sẽ khó phát sinh thêm nhu cầu vay mới, việc giảm lãi suất hỗ trợ với các khoản vay mới không có nhiều ý nghĩa.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Nếu được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp, sẽ giúp họ giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn nhanh và thực chất hơn. Chỉ như vậy, thì mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng thương mại.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận xét: Các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi vay từ 0,3 - 1,5%/năm, cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng mức giảm này để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 là không đáng kể so với thiệt hại các doanh nghiệp đã gặp phải. Theo ông Lập, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có gói hỗ trợ giảm lãi suất tín dụng ngân hàng với cả dư nợ hiện tại và vốn vay mới, với mức lãi suất vay từ 4 - 4,5%/năm thay vì lãi suất như hiện nay.
Giao dịch ngân hàng. Ảnh minh họa |
Nói về tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất, đại diện Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.Hồ Chính Minh, phản ánh: Khi làm thủ tục vay, phía ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được là kinh doanh không hiệu quả. Sau khi doanh nghiệp chứng minh được như vậy để được hưởng lãi hỗ trợ, nhân viên của ngân hàng tư vấn doanh nghiệp là sẽ bị tụt hạng tín dụng, những lần vay kế tiếp sẽ bị giảm mức độ mức độ tín nhiệm và hạn chế hạn mức cho vay. Ưu đãi lãi suất kiểu như vậy có khác gì đưa doanh nghiệp vào vòng lẩn quẩn.
Trước những bất cập về điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm lãi vay cho doanh nghiệp từ 2%/năm và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia ngân hàng, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, cho rằng: Việc hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách và điều kiện vay như thế nào, không phải của mỗi ngành ngân hàng, mà cần phải có nhiều bộ, ngành vào cuộc giải quyết. Các ngân hàng rất e ngại sai sót có thể xảy ra, thậm chí nếu sai sót rủi ro dẫn tới yếu tố hình sự. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, nếu ngân hàng không cho vay thì họ khó sống sót, mà cho vay thì sẽ rất rủi ro về thanh toán nợ của bên vay. Trong khi đó, Luật Tổ chức tín dụng qui định, các ngân hàng không được cho vay doanh nghiệp thua lỗ, Luật Quản lý nợ công cũng quy định Chính phủ không được bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp. Ông Lực cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương. Như vậy, sẽ góp phần giải bài toán tiếp cận vốn hiện nay với khu vực doanh nghiệp này bên cạnh các giải pháp khác.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, các ngân hàng nên có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng sẽ phải chịu nợ xấu. Ngân hàng có thể tìm cách tiết kiệm chi phí, hỗ trợ lãi suất tối đa giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này. Nếu gia hạn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi, dù thời gian phục hồi sẽ không phải trong ngày một ngày hai, nhưng các ngân hàng có thể không bị mất khách hàng do doanh nghiệp chết.
Cũng theo Hiệp hội này, thực tế tài sản doanh nghiệp khi vay vốn thường thế chấp vào ngân hàng, nhưng được định giá cực thấp so với thị trường, sau đó cũng chỉ được vay tối đa đến 70-80% giá trị tài sản thế chấp. Như vậy, có thể thấy, dư địa trên tài sản và hạn mức vay so với tài sản thế chấp vẫn còn, các ngân hàng thương mại nên tính toán giúp doanh nghiệp, hỗ trợ cho vay thêm từ 15-20% vốn nữa mà không phải thế chấp thêm tài sản mới. Có thêm guồn vốn mở rộng này, các doanh nghiệp sẽ có thêm dòng tiền để trang trải các chi phí cố định, duy trì hoạt động.