Hộ kinh doanh cá thể: Cơ hội nào trong Cách mạng công nghiệp 4.0?
Tác động rộng khắp
CMCN 4.0 đang lan tỏa và có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Những ứng dụng từ thành tựu CMCN 4.0 ngày càng nhiều hơn trong các lĩnh vực của nền kinh tế, tạo sự phát triển cho mọi thành phần, không phân biệt quy mô, tính chất, phạm vi, đặc biệt là doanh nghiệp, trong đó có hộ kinh doanh cá thể.
Hộ kinh doanh cá thể ở nước ta với sự tham gia khá đông đảo của lực lượng lao động xã hội đã và đang là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định xã hội Việt Nam.
Đầu tư công nghệ hiện đại là hướng đi tất yếu |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp. Mức độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp trong GDP và tính ổn định trong phát triển của kinh tế cá thể đã cho thấy vai trò trọng yếu, tính thích nghi cao và sức sống bền bỉ của thành phần kinh tế này, ngay cả trong bối cảnh hội nhập với sự thâm nhập như vũ bão của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế cá thể còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lao động, giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần giúp nền kinh tế linh hoạt hơn, phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa…
Dù vậy, trước tác động của CMCN 4.0, với những đối thủ cạnh tranh mạnh, hộ kinh doanh cá thể đã trở thành những đối tượng nhạy cảm, dễ bị tổn thương và khó tồn tại, phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, công nghệ cao và các thành tựu CMCN 4.0 vẫn khá mới mẻ với hộ kinh tế cá thể. Song từng bước, những thành quả của CMCN 4.0 đã hiện diện trong một số lĩnh vực có sự tham gia đông đảo của hộ kinh doanh cá thể, ví dụ như thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nông sản, phân phối bán lẻ theo chuỗi…
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), CMCN 4.0 với những công nghệ mới sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, mô hình kinh doanh hiện đại, làm thay đổi hệ thống sản xuất toàn cầu, tạo cơ hội tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm… Cụ thể, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cho lao động của con người, không chỉ trong lao động đơn giản mà còn trong nhiều công việc liên quan đến tư duy, logic, đa nhiệm hay vận động phức tạp…
Với xu thế đó, trong giai đoạn tới, tác động của CMCN 4.0 đến quy mô, số lượng hộ kinh doanh cá thể có thể diễn ra theo 2 chiều hướng: Giảm số lượng hộ kinh doanh cá thể do một phần lao động trong khu vực này tham gia vào các hình thức kinh doanh mới là sản phẩm CMCN 4.0 như kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử. Hoặc, quy mô hộ kinh doanh cá thể theo vốn và tài sản cố định đều tiếp tục tăng do hộ kinh doanh cá thể phải đầu tư máy móc, thiết bị và hiện đại hóa hoạt động kinh doanh để bắt kịp xu thế vận động chung của nền kinh tế.
Thay đổi tư duy kinh doanh
Nhằm phát triển hộ kinh doanh cá thể, bắt kịp xu hướng của CMCN 4.0, theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, về phía nhà nước, cần nhận thức đúng, đủ về vị trí, vai trò quan trọng của hộ kinh doanh cá thể đối với phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, có các định hướng và chính sách thích hợp, cụ thể nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế này. Đặc biệt, cải cách hành chính trong các khâu cấp phép và quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể theo hướng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý minh bạch, bình đẳng hơn so với hình thức kinh doanh khác; quy định chặt chẽ các điều kiện sản xuất, kinh doanh cũng như thường xuyên kiểm tra các hộ kinh doanh cá thể, nhất là các loại hình kinh doanh có điều kiện như bán thuốc, khám chữa bệnh, karaoke, xăng dầu, khí hóa lỏng…; thực hiện số hóa quản lý nhà nước nói chung, Chính phủ điện tử và Cơ chế một cửa quốc gia để tạo cơ sở số hóa trong công tác quản lý hộ kinh doanh cá thể; tạo cơ chế thông thoáng cho hộ kinh doanh cá thể vay vốn…
Với các hộ kinh doanh cá thể, cần có những giải pháp cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, thay đổi tư duy kinh doanh từ ngắn hạn sang dài hạn, từ manh mún nhỏ lẻ sang phát triển dài hạn, bền vững; đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, từ đó đưa ra các quyết định kịp thời, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đề án đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến phát triển các hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam là một trong những Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. |