Thứ sáu 29/11/2024 20:24

Hải Phòng tổ chức Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho 250 doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Sáng ngày 20/3, UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị đối thoại, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho 250 doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Hải Phòng - điểm sáng về phát triển kinh tế

Với chủ đề “Hợp tác – Phát triển – Hiệu quả”, Hội nghị thành phố Hải Phòng đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị thành phố với sự tham gia của đại diện 250 doanh nghiệp. Trong đó, hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hội nghị nhằm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như: Đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics và chuyển đổi số,…

Mở đầu Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã trao tặng bằng khen cho 48 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao trên địa bàn thành phố, cùng các doanh nghiệp có lượng ngân sách lớn nộp về Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ, Hải Phòng luôn xác định tầm quan trọng của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế của thành phố. Tại Nghị quyết số 09 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung cơ cấu lại nền kinh tế với 3 trụ cột chính, bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển logistics và du lịch thương mại.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội nghị

Những năm qua, Hải Phòng là điểm sáng về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; được biết đến là thành phố công nghiệp có truyền thống hơn 100 năm, có cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam và hạ tầng logistics hiện đại. Trong năm 2023, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,34%. Hải Phòng đứng thứ 5/63 tỉnh, thành tăng trưởng cao, là năm thứ 9 tăng trưởng ở mức hai con số.

Đồng thời, trong năm 2023, Hải Phòng thu hút được 78 dự án vốn FDIvới tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,946 tỷ USD tại 46 dự án FDI đầu tư trước đó, đưa tổng vốn thu hút đầu tư FDI trong năm đạt 3,446 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh) về thu hút vốn đầu tư FDI. Đến nay, Hải Phòng đã thu hút 532 dự án vốn đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư 27,6 tỷ USD.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cho biết: “Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 31 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch nhập khẩu”.

Những khó khăn từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, các sở, ngành đã tiếp nhận và giải đáp những kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng, cung ứng dịch vụ logistics và các hãng tàu.

Ông Trương Gia Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Đông Á

Ông Trương Gia Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhôm Đông Á đã bày tỏ kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hải quan đối với việc xuất nhập khẩu tại chỗ. Đồng thời, đại diện công ty kỳ vọng, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng nhanh chóng triển khai hệ thống hải quan số và hải quan thông minh, cải tiến để có thể đồng bộ hóa triệt để lợi ích mà hải quan số mang lại.

Ông Kawasaki (áo đen), Tổng giám đốc Công ty TNHH Nichias Haiphong

Nhằm thu hút lực lượng nhân sự trong kinh doanh, sản xuất, ông Kawasaki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nichias Haiphong đề xuất: “Hiện nay, lượng lao động từ các tỉnh ngoài đến và làm việc trong các khu công nghiệp trên thành phố Hải Phòng khá đông. Tuy nhiên, lao động tỉnh ngoài thường gặp khó khăn về chỗ ở, phải thuê nhà trọ và không đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn khiến lao công nhân còn e ngại. Để thu hút lực lượng lao động từ các tỉnh ngoài, công ty mong thành phố xem xét quy hoạch, xây dựng các khu nhà ở xã hội cho người lao động. Đồng thời, các khu nhà ở cần đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng như: Nhà trẻ, trường học, chợ, bệnh viện… đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho công nhân”.

Ông Ou Yang Peng Fei, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (địa chỉ tại KCN VSIP Hải Phòng)

Bên cạnh đó, ông Ou Yang Peng Fei, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (địa chỉ tại KCN VSIP Hải Phòng) đề xuất Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng mở thêm các tuyến xe buýt kết nối tới các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho công nhân trong các khu công nghiệp đi lại thuận tiện hơn. Từ đó, công nhân có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí di chuyển, đồng thời cũng góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường của thành phố, thúc đẩy phát triển bền vững.

Ngoài ra, đại diện một số lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị cũng mong muốn thành phố Hải Phòng có thể xem xét, khai thác mở rộng thêm nhiều đường bay quốc tế tại sân bay Cát Bi. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc di chuyển; trao đổi kiến thức kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế, đón tiếp các đoàn khách, nhà đầu tư nước ngoài đến thăm quan.

Nỗ lực cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp

Trước những vướng mắc nêu trên, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời để duy trì niềm tin cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố để phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đối thoại với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã và đang tích cực đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: “Đơn vị nghiên cứu triển khai thành công Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM), phối hợp với các cơ quan có liên quan tại khu vực cảng biển một cửa, giúp giảm 5-7 lần thời gian thông quan hàng hóa qua cảng và các địa điểm logistics trên hệ thống điện tử”.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị

Định hướng giải pháp từ các kiến nghị của doanh nghiệp về phương tiện công cộng, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải khảo sát thêm nhiều tuyến đường quanh các khu công nghiệp để mở tuyến hỗ trợ người lao động di chuyển thuận lợi.

Đồng thời, theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng, trong giai đoạn 2026 - 2030, thành phố Hải Phòng phát triển tăng thêm 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 28 nghìn căn hộ xây mới. Với chương trình nhà ở đã điều chỉnh, dự kiến, Hải Phòng sẽ quy hoạch khoảng 20% diện tích đất trong các khu công nghiệp xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Qua đó, người lao động tỉnh ngoài sẽ được hỗ trợ làm các thủ tục tạm trú và lưu trú tại địa bàn.

Các doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn để phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết hiệu quả tình trạng mất điện tại các khu công nghiệp vào mùa cao điểm. Đơn vị cũng xây dựng lộ trình, kế hoạch, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu dự án thay thế dần các nguyên, nhiên liệu là than, xăng, dầu, hướng tới nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời. Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung, Hải Phòng nói riêng và để ứng phó với tình trạng khẩn cấp khi có sự gián đoạn nguồn cung bên ngoài,…

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã trao tặng bằng khen cho 48 doanh nghiệp

Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Linh Chi
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Định hướng phát triển mới, hướng tới mục tiêu cao hơn

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và người có công

Quảng Ninh: Nâng tầm du lịch với hạ tầng hiện đại, dịch vụ chất lượng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc