Hải Phòng: Kết nối hạ tầng giao thông thúc đẩy thu hút đầu tư
Xây dựng cơ sở hạ tầng được ưu tiên hàng đầu
Hải Phòng là địa phương hội tụ đầy đủ năm loại hình giao thông: Cảng biển cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, cùng hệ thống giao thông đường bộ kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực, Hải Phòng đã và đang phát huy hiệu quả thế mạnh hiện có này.
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đặt ra mục tiêu, trong đó: "Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, là trọng điểm dịch vụ hậu cần (logicstic)".
Hải Phòng đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh. |
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để bàn các giải pháp phối hợp, liên kết cùng phát triển. Trong đó, một nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất là tập trung xây dựng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường để tạo kết nối, tăng cường giao thương phát triển của cả khu vực.
Cụ thể, xây dựng cầu sông Hóa để kết nối Hải Phòng với tỉnh Thái Bình; xây dựng cầu Quang Thanh và cầu Dinh để kết nối với tỉnh Hải Dương; xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng để kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Tổng giá trị của năm cầu nêu trên khoảng gần 5.000 tỷ đồng, trong đó TP. Hải Phòng tiên phong đầu tư xây dựng cầu và đường dẫn lên cầu, các địa phương liền kề đầu tư kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng và cải tạo các tuyến đường kết nối với cầu trên địa bàn…
Ông Vũ Duy Tùng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố những năm qua có bước phát triển đột phá, theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển các tỉnh phía Bắc.
Theo đó, về xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, tính chung giai đoạn 2019 - 2023, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng mới được 19,67 km đường quốc lộ, 28,78 km đường tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ và 137,04 km đường đô thị. Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 34 km đường bộ cao tốc. Hơn 120 tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh đã nâng cấp, cải tạo mặt đường bê tông nhựa.
Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã được đưa vào khai thác như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cầu Bến Rừng, cầu Bạch Đằng nối với tỉnh Quảng Ninh; Cầu Quang Thanh nối với tỉnh Hải Dương. Đây đều là những dự án nổi bật được Hải Phòng ưu tiên đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông của thành phố với các tỉnh lân cận.
Hiện nay, thành phố tiếp tục đầu tư, nâng cấp các quốc lộ đi qua địa bàn. Như tại QL.10 (đoạn nối Quảng Ninh - Hải Phòng) với tổng mức đầu tư 1.220 tỷ đồng, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền có chiều dài 12,9 km đã được đưa vào khai thác tháng 12/2023.
Còn QL.37, với chiều dài 12km, tổng mức đầu tư 630 tỷ đồng, dự kiến được đưa vào khai thác trong quý III/2024. Đối với cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, dự án nằm trong quy hoạch chung TP. Hải Phòng tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, hiện đang được UBND thành phố nghiên cứu, huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch
Có thể nhìn nhận rõ, trong 5 năm qua, Hải Phòng đã và đang không ngừng nỗ lực để hiện thực hoá nội dung mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, thời gian qua, kinh tế Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá và có điều kiện đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bằng các nguồn vốn, Hải Phòng đã xây dựng nhiều công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và đời sống dân sinh với tốc độ nhanh. Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện với 46 cây cầu được xây dựng. Hàng chục bến phà, đò đã được thay thế bằng cầu cứng, hiện đại.
"Kết cấu hạ tầng giao thông Hải Phòng được đầu tư, tập trung huy động nguồn lực phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác đóng vai trò liên kết rất tích cực vùng và khu vực", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
Từ lợi thế kinh tế cảng biển, Hải Phòng được kỳ vọng trở thành điểm đến toàn cầu. |
Để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng đã và đang tiếp tục đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm để đưa vào sử dụng trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Đó là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển; đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (km1+00) đến Ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn; đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; đầu tư xây dựng cải tạo đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp bến Rừng, huyện Thủy Nguyên. Cùng đó, tập trung phối hợp, phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.
Theo chiến lược phát triển, Hải Phòng sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới. Để thực hiện hóa mục tiêu trên, Hải Phòng đang tiếp tục đầu tư xây dựng tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc, Quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt; tích cực tìm kiếm nhà đầu tư Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn.
Đến nay, khu vực cảng biển Hải Phòng đã được đầu tư, khai thác 50 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng14,35 km trong tổng số 298 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 92,03 km thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam.
Đặc biệt, với hạ tầng cảng biển được đầu tư hiện đại, hiệu quả, đặc biệt sự ra đời của bến cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện cho phép tiếp nhận các tàu thuyền trọng tải lớn đi thẳng đến các châu lục Âu, Mỹ đã tạo động lực cho Hải Phòng thúc đẩy hình thành, mở rộng các cụm công nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI lớn.
Điển hình là các Khu công nghiệp: Khu công nghiệp Nomura hoạt động từ năm 1994, quy mô 153 ha; Tổ hợp khu công nghiệp Deep C - Hải Phòng quy mô hiện nay lên đến 3,400 ha, trở thành khu công nghiệp mũi nhọn, thu hút gần 100 nhà đầu tư đến từ các nước Mỹ, thuộc châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; Khu công nghiệp Đồ Sơn quy mô 150ha; Khu Công nghiệp Tràng Duệ với quy mô 687ha, đã thu hút trên 60 dự án trong và ngoài nước, tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 5 tỷ USD, trong đó thu hút nhà đầu tư lớn là Tập đoàn LG (Hàn Quốc).
Ngoài ra Hải Phòng còn có các Khu công nghiệp khác như An Dương, Cầu Kiền, Nam Cầu Kiền, Nam Đình Vũ, VSIP, Tràng Cát; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu...
Với quyết tâm cao, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Hải Phòng đã và đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 đã đề ra.