Hải Phòng: Bắt đầu tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại đảo Cát Bà
Thống kê của UBND huyện cho thấy, trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi, tập trung tại các vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận. Trong đó, các cơ sở nuôi có chủ cơ sở là người có hộ khẩu Hải Phòng là 371 cơ sở. Các cơ sở có chủ cơ sở là người không có hộ khẩu Hải Phòng là 69 cơ sở.
Chia sẻ về nguyên nhân của việc tháo dỡ, ông Nguyễn Văn Vinh cho biết: Các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của địa phương nên tất cả buộc phải tháo dỡ theo Nghị quyết 05 của UBND TP. Hải Phòng, để bảo tồn danh thắng Cát Bà.
UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) tháo dỡ 7 cơ sở nuôi trồng thủy sản đầu tiên trên quần đảo Cát Bà |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vinh, để thực hiện công tác tháo dỡ, huyện đã thành lập 10 tổ công tác đến các cơ sở vận động người dân, đa số đồng thuận. Huyện cũng đã kiểm đếm, lập phương án hỗ trợ được 380 cơ sở.
Tính đến hết ngày 22/9, đã có 7 cơ sở được tháo dỡ, trong đó có 2 hộ là ông Bùi Văn Hoàn và Hoàng Văn Giang nuôi tại khu Nam Cát, Vườn quốc gia Cát Bà. Đây là 2 trong số 7 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà vừa được thẩm định phương án hỗ trợ và đã nhận kinh phí hỗ trợ trong đợt này, đáp ứng đủ yêu cầu tháo dỡ ngay trong ngày đầu tiên ra quân hỗ trợ tháo dỡ.
Bà Bùi Thị Hợp, một trong 19 hộ tháo dỡ đầu tiên cho biết, gia đình đầu tư 36 ô lồng nuôi hải sản gần 15 năm nay, lúc được lúc mất nên hiện còn nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng tiền giống. Tuy số hải sản chưa đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình vẫn chấp hành tháo dỡ và mong chính quyền địa phương bố trí hoặc tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.
Những vật liệu từ việc tháo dỡ sẽ được vận chuyển lên đảo để tiêu hủy |
Việc tháo dỡ được thực hiện trong hai giai đoạn, giai đoạn một từ tháng 9 đến hết năm 2021, giai đoạn 2, trong năm 2022. Trong quá trình hỗ trợ tháo dỡ, huyện ủy, UBND huyện sẽ họp rút kinh nghiệm nhằm bảo đảm việc tháo dỡ các cơ sở tiếp theo diễn ra thuận lợi, nhanh gọn.
Cũng theo huyện Cát Hải, để việc tháo dỡ, di dời các cơ sở NTTS được thuận lợi, huyện cũng đã tập trung tìm đầu mối hỗ trợ người nuôi trồng thuỷ sản tiêu thụ sản phẩm. Thành lập riêng một tổ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với 18 cán bộ tìm mối.
Trước đó, UBND TP. Hải Phòng đề xuất HĐND TP. Hải Phòng ban hành Nghị quyết quy định các nội dung hỗ trợ cho toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải nhằm xây dựng đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế, tiến tới chuẩn bị điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, để thực hiện việc hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tại các khu vực trên, UBND TP. Hải Phòng cũng đã dành hơn 68 tỉ đồng hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản này, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2022. |