Hai năm thực thi Hiệp định EVFTA: Thị trường EU đang chuyển dịch rất mạnh mẽ
Tại Hội thảo khoa học “Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế-xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” tổ chức ngày 4/8/2022 tại Hà Nội, ông Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, cơ quan đồng tổ chức hội thảo - nhấn mạnh: điểm quan trọng trong kết quả của thực thi Hiệp định EVFTA không phải chỉ là số lượng mà còn là chất lượng với sự chuyển dịch ban đầu về cơ cấu sản phẩm và thể chế chính sách đi kèm theo hướng xanh, sạch, và phát triển bền vững là những ưu tiên chính sách của EU.
Trong khi đó chuyên gia Hoàng Xuân Trung – Viện nghiên cứu Châu Âu - cho biết Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư từ EU, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận với thị trường của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp sử dụng công nghệ cao của Việt Nam như điện tử, ôtô, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác như nông sản thực phẩm chế chiến, dịch vụ, tài chính.
Nhiều tín hiệu vui sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo. Theo đó năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam – EUđạt 57 tỷ USD (không tính 6,6 tỷ USD thương mại với Anh) tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% và nhập khẩu đạt 16,9 tỷ USD, tăng 15,3%. Thặng dư thương mại năm 2021 là 23,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Các thị trường thương mại chủ chốt của Việt Nam được kể đến bao gồm là Đức (chiếm khoảng gần 20% tổng thương mại của Việt Nam với EU), tiếp theo là Hà Lan (khoảng 15%), Italia (gần10%), rồi đến Pháp, Ireland và Bỉ.
Trong khi đó 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 23,83 tỷ USD, tăng 22,8% và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,6%. Thị trường này tiếp tục có thặng dư thương mại khoảng 16 tỷ USD (thặng dự thương mại của Việt Nam với thế giới là 743 triệu USD).
Điểm rất đáng chú ý là nếu xét theo ngành hàng, trong năm đầu tiên thực thi, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm, ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 27,9% so với năm 2020), hàng dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) và giày dép các loại (giảm 11,3%). Tuy nhiên, sang năm thực thi thứ hai, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, với hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%...
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng tạo xung lực cho quan hệ Việt Nam và EU (ảnh minh hoạ) |
Tuy nhiên bức tranh sau hai năm thực thi Hiệp định FTA cũng không chỉ phải toàn màu hồng. Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), đó cũng là khoảng thời gian mà thị trường này gia tăng lừa đảo thương mại, đặc biệt là việc tận dụng môi trường điện tử, môi trường số.
Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, các Cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp ta bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp ta mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác.
Bà Ngọc lấy ví dụ, sau vụ việc 100 container hạt điều, doanh nghiệp ta có tâm lý e ngại làm ăn với đối tác Italia hoặc khi đàm phán các hợp đồng lớn. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn, có uy tín và mức độ rủi ro thấp như ở Mỹ, Hà Lan, Italia, Na Uy... thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi trước đây.
Bà Ngọc cũng lưu ý, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, thông tin cho các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện, thương vụ ta ở nước ngoài mà chỉ liên hệ khi vụ việc xảy ra, gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ giải quyết. Mặt khác, cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gian lận, chưa thực hiện đúng hợp đồng, chuyển hàng chưa đúng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa của sở tại và bị đối tác khởi kiện, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu quốc gia, uy tín của doanh nghiệp chân chính).
Một thực tế nữa rất đáng lưu ý là thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường...
Người tiêu dùng ở châu Âu hiện nay không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả và chất lượng nữa mà người ta quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào (ví dụ có thải nhiều các-bon ra khí quyển hay không, hay là có trả lương tốt cho người lao động làm việc trực tiếp hay không và điều kiện lao động của người làm việc trong quá trình sản xuất ra những sản phẩm đó như thế nào...).
“Đây là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và rõ ràng chúng ta cần phải đón đầu xu hướng này”- bà Ngọc nói.
EU là thị trường rất khó tính, duy trì các biện pháp kiểm tra hàng thực phẩm rất ngặt nghèo. Đặc biệt theo bà Ngọc, xung đột Nga - Ucraina khiến EU sẽ thiên về chính sách tăng cường tình tự chủ, tiếp tục thắt chặt các yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động vật; và thậm chí là ngoài những tiêu chuẩn do nhà nước đặt ra thì họ còn có những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp của họ tự đặt ra và yêu cầu khi hàng hóa - ví dụ hàng hóa vào chuỗi bán lẻ thì phải đáp ứng điều kiện nhất định.
Trong bối cảnh đó điều cần được đặc biệt quan là tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế để bảo đảm tương thích với các nghĩa vụ và cam kết trong EVFTA, đồng thời hướng dẫn thực thi và triển khai các cam kết đã có, cũng như đẩy mạnh công tác rà soát tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho thực thi Hiệp định EVFTA, đặc biệt là những văn bản pháp luật được EU quan tâm
Cùng đó hoàn thiện cơ chế phối hợp trong nước để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Chuẩn bị và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp lý tham gia vào quá trình phòng ngừa, giải quyết khiếu nại và tranh chấp thương mại.
Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng quốc tế, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lương...
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường EU và về Hiệp định. Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền theo hướng trực tiếp phối hợp với trực tuyến, tập trung hơn nữa vào các nội dung cụ thể như theo ngành hàng, lĩnh vực...
Đặc biệt theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, cần vận hành hiệu quả, cung cấp nội dung phong phú cho các trang mạng đã có, bảo thông tin được đầy đủ, dễ tra cứu, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng sử dụng.