Thứ ba 24/12/2024 01:41

Hai Bộ trưởng và câu chuyện viết chung về thúc đẩy hợp tác thương mại Việt-Trung

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào xúc động ôm chặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, sôi nổi chuyện trò.

Gặp lại nhau giữa khán phòng Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) tại UAE, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào xúc động ôm chặt Bộ trưởng Bộ Công ThươngViệt Nam Nguyễn Hồng Diên, sôi nổi chuyện trò.

Hình ảnh ấy là một phần câu chuyện họ đang cùng nhau viết suốt 3 năm qua về thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định: Quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản. Ảnh: VGP/Nguyên Minh

Điểm sáng nổi bật trong quan hệ kinh tế - chính trị hai nước

Đoàn công tác tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự MC13 hôm đó không chỉ có các cán bộ Bộ Công Thương mà còn có các đại biểu từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế… đều rất ấn tượng khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đánh giá: Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay!

Điều đó là sự thật ấn tượng khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng vui mừng cho biết, quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ đầu năm 2024. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt hơn 16,43 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,28% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 700 triệu USD) so với cùng kỳ 2023.

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD. Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Tháng 1, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 306 triệu USD, tăng tới 121% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 62,45% kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 1 đạt 11,88 tỷ USD, tăng 63,64% (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,62 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD). Có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc năm qua là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Hai Bộ trưởng cùng khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã có những bước cải thiện tích cực trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.

Gặp lại nhau giữa khán phòng Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào xúc động ôm chặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, sôi nổi chuyện trò, trao đổi các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại Việt-Trung. Ảnh: VGP/Nguyên Minh

Hai Bộ trưởng viết chung một câu chuyện

Để có được kết quả tích cực ấy, hai Bộ trưởng đã cùng chung suy nghĩ và tâm huyết, viết chung câu chuyện: Thúc đẩy kinh tế thương mại hai nước.

Năm 2021, khi mới đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng phải đối diện với bài toán khó thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn Trung Quốc đang bị đóng băng bởi đại dịch COVID-19.

Một trong những cuộc làm việc đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào chính là cuộc điện đàm đầu tháng 6/2021. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi thông quan cho các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung, nhất là những mặt hàng chuẩn bị vào cao điểm thu hoạch như vải, nhãn, xoài... Bộ trưởng đề nghị cơ quan chức năng hai nước tại các cửa khẩu xem xét thực hiện một số biện pháp như rút ngắn thời gian thông quan, mở "luồng xanh", thực hiện "hẹn giờ thông quan từ xa" 24h/24h...

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, phía Trung Quốc rất khuyến khích và sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Ông nhắc lại chuyến thị sát cửa khẩu biên giới Việt – Trung tháng 3 năm 2021, chính ông cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương biên giới phía Trung Quốc tạo thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 4 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản đang trong thời kỳ cao điểm thu hoạch của Việt Nam.

Cũng trong tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm song phương quan trọng với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Trung Quốc từ ngày 25-28/6/2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Từ cuộc gặp gỡ này, hai Bộ trưởng đã trực tiếp trao đổi, thống nhất nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc. Đặc biệt là những giải pháp hiện thực hoá Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc…

Ấn tượng nhất phải kể đến tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Ủy ban) ngày 27/11/2023 tổ chức ở Việt Nam, hai Bộ trưởng đã có nhiều chia sẻ, phối hợp sâu sắc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức ngày 27/11/2023 tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nguyên Minh

Kỳ họp này được tổ chức trực tiếp sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19 và 2 Bộ trưởng đồng chủ trì. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bày tỏ sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm. Ông đánh giá thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam nên sẽ nỗ lực điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam. Trong cuộc họp này hai bộ trưởng không chỉ giải quyết nhiều vấn đề vĩ mô mà cả những vấn đề nhỏ như đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng được quan tâm xử lý.

Bộ trưởng Vương Văn Đào sinh năm 1964, từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành triết học, là thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông là cán bộ Trung ương trưởng thành từ cán bộ giảng dạy, cán bộ Đoàn uỷ, cán bộ lãnh đạo địa phương, từng kinh qua các chức vụ như Phó Bí thư tỉnh uỷ, Bí thư thành uỷ nên rất hiểu công việc của thúc đẩy thương mại hai nước.

Có nhiều nét tương đồng nên hai Bộ trưởng đã có sự chia sẻ sâu sắc trong công việc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với phóng viên về lần gặp gần đây nhất tại Việt Nam, Bộ trưởng đã mời Bộ trưởng Vương Văn Đào bữa cơm ấm áp, thân tình như "người nhà" gặp lại nhau. Bộ trưởng Vương Văn Đào hết sức ấn tượng khi được thưởng thức sản phẩm rượu sâm Ngọc Linh Việt Nam, ngon và chất lượng không thua kém rượu sâm của Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ông cũng rất ấn tượng với sản phẩm yến sào thượng hạng do phía Việt Nam trao tặng, một sản phẩm OCOP thương hiệu quốc gia đạt cấp 5 sao.

Câu chuyện giữa hai bộ trưởng trong bữa cơm thân tình ấy lại tiếp tục mạch nối về phát triển thương mại, giao thương, tháo gỡ khó khăn cho hàng hoá, nông sản hai nước…

baochinhphu.vn
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Ngày mai (23/12) sẽ diễn ra Diễn đàn 'Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển'

Bộ Công Thương tích cực thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hoá chất

Bộ Công Thương: Hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao nhờ thực hiện tốt Nghị quyết 01

Bộ Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Việc triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã đạt đồng thuận cao

Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Sửa đổi Luật Hóa chất: Những kỳ vọng mới

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 73): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 8)

Để lĩnh vực hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng

Ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT nói gì về sàn Temu?

Hoá chất là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về truyền thông, cung cấp thông tin báo chí

Luật sư Bùi Văn Thành: Bộ Công Thương rất nỗ lực trong xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu

Luật sư Bùi Văn Thành: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cần sự kiểm soát của nhà nước

Các Bộ, ngành góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu

Giữ lửa nghề từ chiến khu Việt Bắc

Báo Công Thương cần đi sâu, phản ánh những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp

Báo Công Thương là tờ báo uy tín, tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp

PGS.TS. Ngô Trí Long: Báo Công Thương đã tạo ra mạng lưới kết nối giữa chuyên gia và độc giả

TS. Võ Trí Thành: Báo Công Thương là một tờ báo đặc biệt!