Hạ tầng cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư
- Hiện nay, khu vực phía Nam có 202 CCN được thành lập với tổng diện tích là 12.669,2 ha, trong đó có 75 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, 11 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, các CCN còn lại do UBND cấp huyện (ban quản lý dự án của huyện), xã hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư. Về triển khai đầu tư hạ tầng, hiện đã có 172 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết; trong đó, có 87 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư hạ tầng, đang thực hiện các thủ tục đầu tư, tổ chức thi công xây dựng. Các CCN được đầu tư chủ yếu dưới hình thức cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất); tiến độ đầu tư xây dựng phụ thuộc vào nhu cầu bức xúc về mặt bằng sản xuất và khả năng nguồn vốn của doanh nghiệp. toàn khu vực có 108 CCN đang hoạt động với tổng diện tích 3.096 ha, chiếm 27% số CCN được quy hoạch và chiếm 15,3% diện tích đất CN của các CCN theo quy hoạch. Diện tích đất CN đã cho thuê đạt 2.143 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 80,3%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 1.063 dự án; tạo việc làm cho 117.940 lao động. Tuy nhiên, hiện tại mới có 23 CCN có công trình xử lý nước thải đang hoạt động.
Theo quy hoạch của khu vực phía Nam đến năm 2020 khu vực này sẽ có là 399 CCN, với tổng diện tích quy hoạch là 20.263 ha, chiếm 20,1% số CCN và 28,8% diện tích quy hoạch CCN cả nước; diện tích trung bình các CCN của khu vực là 50,8 ha/cụm. Một số tỉnh, thành có số lượng quy hoạch CCN lớn như: An Giang (35 CCN); Bình Phước (33), Bình Thuận (32); Long An (32); Đồng Tháp (31); thành phố Hồ Chí Minh (27); Đồng Nai (27) và Tiền Giang (27 cụm). |
Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực đã tích cực liên kết trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực CN như: quản lý khu, CCN, quản lý điện năng, các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN, hỗ trợ di dời…
Nhìn chung, sự phát triển các CCN khu vực phía Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Việc đầu tư phát triển CCN đã góp phần thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy tăng trưởng ngành CN, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngân sách; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng thời thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển như: đào tạo nghề, dịch vụ ăn uống, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, phát triển đô thị, thi công xây dựng công trình, vận tải hàng hóa, cung ứng nguồn nhân lực, vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải công nghiệp.
Tuy nhiên, trong năm 2013, công tác triển khai đầu tư xây dựng CCN của các tỉnh, thành trong khu vực gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng CCN cũng gặp khó khăn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các CCN.
Hồng Dương