Hà Nội truy tìm chủ đầu tư trồng cây xanh còn nguyên bầu bọc rễ
Chiều 3/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2024. Tại cuộc họp báo, vấn đề cây xanh của Hà Nội gãy, đổ sau bão số 3 (siêu bão Yagi) được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi.
Thông tin về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội (Sở Xây dựng TP. Hà Nội) cho biết, bão số 3 đã khiến hơn 11.000 cây xanh do TP. Hà Nội quản lý bị gãy, đổ.
Trong số những cây bị gãy, đổ do TP. Hà Nội quản lý, có hơn 3.000 cây được dựng lại và hơn 600 cây được mang về vườn ươm; còn lại hơn 7.000 cây được cắt thành khúc để thanh lý.
Về vấn đề nhiều cây xanh sau khi bị gãy đổ có hiện tượng còn nguyên bầu bọc rễ, ông Hưng cho biết, vào năm 2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra, rà soát các cây có hiện tượng còn bầu bọc rễ.
Sau cơn bão số 3, qua kiểm tra, Hà Nội phát hiện có 12 cây xanh bị gãy, đổ còn nguyên bầu bọc rễ. Trong đó, có 7 cây bầu bọc rễ sử dụng vật liệu không thể tiêu hủy, 5 cây sử dụng vật liệu bằng vỏ bao xi măng.
“Việc đầu tư để trồng cây, Sở Xây dựng Hà Nội không làm, mà sau khi trồng cây xong, Sở Xây dựng đảm nhiệm việc duy tu, duy trì, cắt cây, tỉa cành, tưới cây. Đây là một việc mà Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Năm 2014, Sở Xây dựng đã rà soát 1 lần” - ông Hưng thông tin.
Cây to còn nguyên bọc bầu bọc rễ ở Hà Nội. Ảnh: Thu Hồng. |
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, việc xử lý trách nhiệm đối với những cây xanh còn bầu bọc rễ xảy ra trong thời gian vừa qua, /chu-de/so-xay-dung-ha-noi.topic đang tích cực phối hợp xử lý.
“Sở Xây dựng Hà Nội đang truy tìm các chủ đầu tư trồng cây xanh còn nguyên bầu bọc rễ để quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý” - ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội - thông tin.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội, tại các vỉa hè trong khu vực phố cổ, sau khi mở rộng vỉa hè rất nhiều cây xanh có bộ rễ nằm hoàn toàn trên hệ thống kỹ thuật (bên dưới rễ cây là hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông. Vì thế, khi cây cắm rễ sâu xuống dưới, gặp hạ tầng kỹ thuật bắt buộc phải đâm ngang và thậm chí là trồi lên. Do đó, ông Hưng kiến nghị, các đơn vị hạ tầng khi thực hiện các công trình kỹ thuật cần lưu ý đến cây xanh và bộ rễ của cây.
Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội cho biết thêm, bão Yagi có sức gió mạnh nhất trong 30 năm qua trên đất liền. Việc cây xanh tại Hà Nội gãy đổ hàng loạt là do không chống được sức tàn phá của bão. Nhiều cây già không đủ điều kiện cho bộ rễ phát triển tương đương với tán lá.
Ông Hưng cũng khẳng định, đối với việc trồng cây tại Hà Nội, đã có những quy trình về định mức kỹ thuật như kích thước hố, kích thước bầu...
Thông tin về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết, thành phố có hơn 11.756 cây xanh đô thị bị đổ, bật gốc. Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây. Công tác giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Thành phố đang tiếp tục vận chuyển gỗ củi của 215 cây về kho bãi. Đến nay, công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng. |