Thực hiện Quyết định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 về hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và Kế hoạch hành động số 144/KH-UBND ngày 27/6/2019 về Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thủ đô năm 2019 với mục tiêu: Thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; Hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; Thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm...
Công ty M2 ký kết hợp tác phân phối với các nhà cung cấp trong Mạng lưới SX và TD bền vững ngành dệt may của thủ đô Hà Nội |
Nhằm cụ thể hóa kế hoạch trên, Sở Công Thương Hà Nội đã lựa chọn ngành dệt may để mở màn cho chương trình hành động của thủ đô trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nói lý do cho lựa chọn ngành dệt may ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Ngành Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, doanh thu xuất khẩu ngành dệt may năm 2018 đạt 30,4 tỷ USD đạt 13% giá trị xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành dệt may sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả thải các chất gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng. Vì vậy, phát triển ngành Dệt may theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm phát thải, chất thải, bảo vệ môi trường là cách để doanh nghiệp ngành dệt may tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế“.
Theo đó các doanh nghiệp tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực dệt may thành phố Hà Nội năm 2019 là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu – nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng đã đáp ứng 11 tiêu chí, gồm: Hàm lượng For-mal-de-hít và A-min thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm thấp hơn mức giới hạn theo Quy chuẩn của Bộ Công Thương; Có hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý môi trường; Thiết bị quy định dán nhãn năng lượng, được dán nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên; Có giải pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải trong sản xuất; Thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nước trong hệ thống phân phối; Có giải pháp giảm phát thải bao bì, túi nhựa, nylon, thay thế dần bằng bao bì, túi thân thiện với môi trường…
Ông Lê Hồng Thăng trao chứng nhận cho các doanh nghiệp |
Là doanh nghiệp tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực dệt may thành phố Hà Nội, ông Vũ Quang Đáng- Phụ trách kinh doanh May Nhà Bè tại thị trường Hà Nội cho biết: “Các sản phẩm của May Nhà Bè đều đảm bảo tính thân thiện môi trường, các sản phẩm làm từ các sợi Cellulose có khả năng dung hòa ở nhiệt độ cao và thấm mồ hôi. Đặc biệt các túi đựng sản phẩm cho khách hàng của chúng tôi là túi giấy hoặc túi nilon có khả năng tự phân hủy sinh học”.
Trong khi đó đại diện công ty TNHH Hoàng Quỳnh, chị Trần Trà My chia sẻ: “Các sản phẩm đồ len của công ty chúng tôi đều được sản xuất từ các nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường đã thông qua kiểm định an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, không có hóa chất độc hại, tại các hệ thống phân phối mà chúng tôi hợp tác đều cam kết chỉ sử dụng túi giấy có thể phân hủy trong môi trường và có khả năng tái sử dụng nhiều lần”.
Các sản phẩm của Hoàng Quỳnh tham gia Mạng lưới các nhà sản xuất và phân phối xanh |
Đánh giá về sự kiện này ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương khẳng định: “Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công việc triển khai chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước hướng tới nền kinh tế thấp cac-bon. Việc ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động số 144/KH-UBND ngày 27/6/2019 về Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thủ đô năm 2019 đã thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm của Hà Nội trong việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.