Hà Nội: Sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chiếm 32% số lượng khiếu nại của người tiêu dùng
Hà Nội đứng thứ hai (chiếm 32%) về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng trong năm 2020. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, với các hình thức mua bán trực tuyến thông qua các website thương mại điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới đã xuất hiện nhưng không có trong các quy định. Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại.
Ảnh minh họa |
Thực tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010. Ngày 27/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ nhiều hạn chế và không bao quát đủ các vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra. Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, nhiều lúc chưa có thói quen lưu giữ hóa đơn, chứng từ để bảo đảm chứng cứ nhằm phản ánh những doanh nghiệp làm chưa đúng hoặc các cửa hàng, các đơn vị phân phối xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời đến nay, đã góp 1 phần vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã được tôn trọng hơn, bình đẳng hơn, tính công khai minh bạch trong mua bán đã được cải thiện, đặc biệt đã bắt đầu thực hiện việc bảo vệ người tiêu dùng từ “gốc”, tức là bảo vệ theo chuỗi sản xuất phân phối, hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các đơn vị bán lẻ đã từng bước xây dựng được thương hiệu của mình thông qua công tác phục vụ và công tác bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, những mặt trái của công tác này vẫn còn nhiều điều cần phải bàn đến và tiếp tục giải quyết một cách mạnh mẽ hơn, cơ bản hơn.
Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng
Trước đó, tại Lễ mít tinh Hưởng ứng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam 2020 diễn ra giữa tháng 11/2020 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký cam kết bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giữa Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với 6 doanh nghiệp. Nội dung ký kết nhằm tăng cường, xác định và đẩy mạnh các nội dung trọng tâm, trong đó nổi bật là sự phối hợp, hỗ trợ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử. Trong bối cảnh các giao dịch thương mại điện tử đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ do tác động của dịch bệnh Covid-19, Lễ ký kết là hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ cho người tiêu dùng mà còn đối với các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - cho biết, trong thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiếp tục mở rộng ký kết với nhiều doanh nghiệp liên quan, cũng như triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm mang lại giá trị lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khi tham gia thực hiện thương mại điện tử.
Về phía Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hải cho hay, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, thành phố đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; trong đó sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng; tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, bảo vệ người tiêu dùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một loại hàng hóa cụ thể nào đó như con cá, mớ rau mà còn phải nghĩ rộng hơn, sâu hơn về môi trường kinh doanh, môi trường sống ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần bảo vệ và khuyến khích biểu dương những doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiến nghị, phê bình, xử lý những tổ chức cá nhân vi phạm các nguyên tắc bình đẳng, công khai trong quan hệ mua bán và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã hội. Ở thời đại công nghiệp 4.0, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ bằng các công văn chỉ thị, các buổi lễ phát động hoành tráng mà phải bằng những việc làm thiết thực cụ thể, phải ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống dữ liệu tổng hợp (Big data) đánh giá nhận xét và đề ra những giải pháp cho phù hợp với từng sự việc hiện tượng đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Người tiêu dùng cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hàng hóa phải niêm yết giá cả rõ ràng; đồng thời, lưu giữ hóa đơn, chứng từ để khi xảy ra trường hợp sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, thì có thể phản ánh và đưa đầy đủ chứng cứ đến các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét, xử lý.
Trong báo cáo mới đây của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về tình hình hoạt động tiếp nhận, tư vấn và giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục năm 2020- nêu con số, khoảng 56,4% yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng có nội dung liên quan đến việc doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết với người tiêu dùng. Khoảng 90% yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đã được giải quyết thành công trên cơ sở khuyến nghị thương lượng giữa hai bên. |