Thứ sáu 22/11/2024 05:14

Hà Nội: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa

Với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, Hà Nội xác định văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ngày 21/3, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cùng đại biểu Bộ, ngành tham quan trưng bày trong khuôn khổ Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội còn có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền, miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa… là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu…

Ngoài ra, “Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. “Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao... Thành phố Hà Nội cũng đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu: Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đồng thời, Thành ủy thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất...

Việc tổ chức Hội thảo hôm nay theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn thành phố để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. "Với tinh thần dân chủ, khoa học và cầu thị, thành phố mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển"- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiến nghị.

Tại Hội thảo, ngoài việc đánh giá những lợi thế to lớn về giá trị, nguồn lực văn hóa để Hà Nội phục vụ công cuộc phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế, nhược điểm trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong thời đại mới. Nhiều ý kiến đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Giáo sư Hồ Sĩ Quý khẳng định, bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam, đồng thời cho rằng, rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như trở thành biểu tượng. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, thì hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng... hầu hết đều là “vật thể” mang giá trị của lịch sử.

Còn theo PGS Lê Quý Đức, hiện nay, nhiều người từ các nơi khác về Hà Nội vẫn mang tâm lý về Thủ đô để làm ăn, sinh sống, chưa có ý thức xây dựng mình thành người Hà Nội. “Việc giáo dục con cái, thế hệ trẻ trong những gia đình, dòng họ ở Hà Nội đang là vấn đề lớn đặt ra. Đặc biệt, với những gia đình từ các địa phương khác đến Hà Nội, cần coi Hà Nội không chỉ là nơi sinh sống, làm việc, mà còn cần là nơi gắn bó, yêu thương”- PGS Lê Quý Đức nêu ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, việc TP. Hà Nội đề ra mục tiêu xây dựng con người văn minh cũng đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ gợi ý một số vấn đề để phát triển văn hoá Thủ đô như: Tiếp tục việc xây dựng hoàn thiện, ban hành và triển khai đồng bộ, kiên trì trên toàn TP những quy định, quy ước, quy chế cụ thể liên quan đến văn hiến, văn minh, hiện đại. Nêu cao vai trò gương mẫu về văn hoá của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, cần tiếp tục cụ thể hoá các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng văn hoá người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp".

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, EVNCPC tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, thương mại trên địa bàn

Lai Châu: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Hải Phòng: Điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Yên Bái: Công nhận 5 xã của huyện Lục Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024

Lai Châu: Kinh tế tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Cá tầm hồ Hòa Bình được đấu giá thành công 150 triệu đồng

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường hoa ảm đạm trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế