Hà Nội: Người dân khổ sở vì sống cạnh kênh ô nhiễm
Kênh Cầu Gạo tại ngõ 107 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã trở thành một điểm nóng về ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua. Đoạn kênh này nối giữa sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch, hiện đang bị ảnh hưởng nặng bởi nước và rác thải.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, tình trạng nước ô nhiễm, xả thải bừa bãi tại con kênh kênh Cầu Gạo đã diễn ra nhiều năm nay. Tại hiện trường, những bãi rác lớn, nằm lộ thiên trên bờ con kênh. Rác được chất thành đống với đủ các loại phế thải vật liệu xây dựng đến những đồ dân dụng vỡ hỏng vứt thành đống, lâu ngày không được thu dọn và bốc mùi xú uế gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí rác thải chất đống ngay dưới biển "Cấm đổ rác” của UBND phường Vĩnh Hưng.
Rác chất đống ngay dưới biển “Cấm đổ rác” của UBND Phường Vĩnh Hưng. (Ảnh: Thùy Linh) |
Bãi rác lớn lộ thiên dọc bờ kênh Cầu Gạo. (Ảnh: Thùy Linh) |
Bà Hoàng Thị Huyền, cư dân tổ 22/3B, phố Tân Khai, phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Khoảng 20 năm trước, nước kênh còn sạch và rất trong, có cả bèo và hoa súng. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, nước kênh đã trở nên ô nhiễm và đen kịt. Trước kia, mực nước trong kênh khá cao, nhưng giờ chỉ còn khoảng một nửa. Gia đình tôi có trẻ nhỏ nên rất ít khi dám mở cửa, vì sợ mùi hôi thối và ruồi muỗi bay vào nhà".
Bà Loan, người dân phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) sống bất an cạnh kênh Cầu Gạo. (Ảnh: Thuỳ Linh) |
Trao đổi với phóng viên, bà Loan (52 tuổi, thường trú phường Tân Khai, quận Hoàng Mai) cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm của con kênh, bởi nước dưới kênh lúc nào cũng đục ngầu, đen kịt và bốc mùi xú uế, hai bên bờ thì rác chất thành đống, nước thải được xả thẳng xuống kênh”.
“Công ty nước sạch có cử người đến vớt rác dưới kênh hằng ngày, nhưng rác thải trên bờ vẫn chất đống. Sau bão Yagi vừa rồi, cây cối đổ rạp, bật gốc rất nhiều nên có các đội thu gom và cắt tỉa, sau đó cũng gom chất đống về đây mà không có biện pháp xử lý triệt để”, bà Loan nói thêm.
Cũng theo bà Loan, đây là nơi công cộng nên không có ai nhận trách nhiệm để giải quyết. Tình trạng "cha chung không ai khóc" đã khiến vấn đề ô nhiễm kéo dài mà không được giải quyết triệt để. Hiện một bên bờ kênh có lan can bảo vệ, nhưng bên còn lại thì không. Nhiều đoạn lan can đã xuống cấp trầm trọng, cột sắt hoen gỉ, hư hỏng, nghiêng đổ, chỉ được cảnh báo tạm bợ bằng băng rào sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Tình trạng này không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hiểm và sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng.
Rác dưới kênh được vớt lên sát bờ, không thu gom sạch sẽ, trong khi lan can cầu xuống cấp, tạm bợ. (Ảnh: Thùy Linh) |
Trước tình trạng đổ trộm rác thải, phế thải tràn lan ra cạnh con kênh trên phố Tân Khai và phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đồng thời có biện pháp xử lý những đối tượng đổ rác, phế thải bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân trong khu vực.