Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày tại Tân cảng Cát Lái tăng trung bình khoảng 4%/tháng, các mặt hàng máy móc thiết bị cũ và bột xương thịt có xu hướng tăng cao.
Tính đến ngày 15/9/2024, lượng hàng này được ghi nhận là 5.543 container (khoảng 9.238 TEUs), chiếm gần 7% dung lượng bãi. Trong đó, các loại hàng tồn đọng chính bao gồm: Máy móc, thiết bị cũ qua sử dụng: 1.765 TEUs; bột xương thịt: 606 TEUs; phế liệu: 1.558 TEUs; mặt hàng khác: 5.309 TEUs. Trong khi đó, lượng hàng hóa tồn đọng được xử lý tiêu hủy/thanh lý trong những năm qua rất hạn chế.
Hơn 5.500 container hàng tồn đọng tại Tân cảng Cát Lái có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: MH |
Nguyên nhân gây tồn đọng số container trên được Tân cảng Sài Gòn xác định là do việc thay đổi chính sách quản lý một số mặt hàng nhập khẩu, cũng như việc siết chặt gia hạn giấy phép và quota nhập khẩu, thay đổi tiêu chuẩn nhập khẩu dẫn đến thông quan hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn có một số hàng hóa vi phạm hành chính, hàng hóa bị kê biên…; các mặt hàng chủ yếu là phế liệu, máy móc cũ, phân bón, thức ăn chăn nuôi…
Điều đáng nói là các hãng tàu (đơn vị vận chuyển) nhiều năm qua đã khẩn thiết mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra phương án xử lý hàng tồn đọng để thu hồi vỏ container, hạn chế thiệt hại chi phí kho bãi và các chi phí khác, nhưng đều nhận được sự im lặng từ các cơ quan có thẩm quyền.
Đơn cử, Công ty TNHH Hapag – Lloyd Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải quyết tiêu hủy lô hàng bị hư hỏng, bao gồm 27 container hàng hóa thức ăn chăn nuôi và phân bón không được nhập vào Việt Nam.
Công ty này cho biết, đơn vị giám định kết luận lô hàng có tình trạng ẩm mốc, vón cục, xuất hiện mùi lạ và có côn trùng sống trên hàng hóa. Nếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đó được sử dụng, có thể gây ảnh hưởng đến vật nuôi.
Đồng thời, người gửi và người nhận đã từ bỏ lô hàng, lô hàng không có chứng từ gốc nhập khẩu, các bên không cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện để thông quan. Do đó, công ty đề nghị tiêu hủy để giải phóng vỏ container.
Công ty Hapag – Lloyd Việt Nam thông tin: “27 container hàng hóa trên chưa phát lệnh giao hàng, chưa mở tờ khai hải quan, không vi phạm pháp luật và không thuộc phạm vi bị điều tra. Tuy nhiên, Công ty Hapag – Lloyd Việt Nam đã nhiều lần gửi công văn đến cơ quan hải quan để xin ý kiến giải quyết nhưng không được trả lời, chưa có hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo để sớm tiêu hủy lô hàng, gây thiệt hại lớn cho hãng tàu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp”.
Tương tự, Công ty TNHH Đại lý Vận tải Evergreen Việt Nam cũng nhiều lần gửi văn bản đến Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc đề nghị hướng dẫn để tiêu hủy lô hàng phế liệu thuộc vận đơn 600800009027, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ cơ quan hải quan. Công ty này lo ngại lô hàng có thể gây ô nhiễm môi trường vì đây là phế liệu đã tồn đọng trong thời gian dài.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng với công ty môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Mọi chi phí tiêu hủy, hãng tàu sẽ chịu trách nhiệm và đảm bảo xử lý đúng quy trình hướng dẫn”, hãng tàu Evergreen cam kết.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Cosco Shipping Lines (Việt Nam) có 23 container lốp ô tô cũ đã qua sử dụng, thuộc diện cấm nhập khẩu, đã tồn đọng 10 năm nay tại các cảng và thuộc trường hợp phải tiêu hủy. Gần đây nhất, công ty đã 2 lần gửi công văn (công văn ngày 10/11/2023 và công văn ngày 29/3/2024) đến Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 và Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 đề nghị phương án xử lý nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan hải quan.
Công ty Cosco Shipping Lines (Việt Nam) cho biết, lô hàng tồn đọng đã hơn 10 năm, cần sớm được tiêu hủy nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường cũng như giảm chi phí cho công ty. Hãng tàu này cũng xin thanh toán chi phí tiêu hủy hàng hóa để thu hồi vỏ container.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hàng hóa tồn đọng đến nay được ghi nhận là 5.543 container tại Tân cảng Cát Lái, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ và hoạt động khai thác cảng, gây khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp hàng hóa, phát sinh chi phí đảo chuyển, quản lý và giám sát của doanh nghiệp.
Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ những hàng hóa như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, bột xương, phân bón… đang trở nên nghiêm trọng.
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy nhanh thủ tục xử lý hàng tồn đọng tại Tân cảng Cát Lái, trong đó đặc biệt là các mặt hàng bột xương thịt, máy móc thiết bị cũ, nhựa phế liệu.
Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị Tổng cục Hải quan chấp thuận chủ trương và hướng dẫn các Cục/Chi cục địa phương cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được chuyển lượng container hàng tồn đọng quá 90 ngày (trừ hàng hóa vi phạm) đến lưu giữ tại các cơ sở do Tân cảng Sài Gòn quản lý (Tân cảng Hiệp Phước, ICD Tân cảng Nhơn Trạch, ICD Tân cảng Long Bình).
Mới đây, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 2615/HQTPHCM-CBLXL ngày 19/9/2024 gửi Tổng cục Hải quan về việc xử lý hàng hóa vi phạm bị tịch thu và hàng hóa tồn đọng tại các cảng. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2020, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức bán đấu giá 5 lô hàng, trong đó có 3 lô bán đấu giá trọn gói (thiết bị điện tử, điện thoại di động và 2 túi xách Hermes), và 2 lô xe cơ giới tiêu hủy số khung số máy, bán đấu giá tận dụng phụ tùng. Số tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều vướng mắc về cơ sở pháp lý, chi phí lưu kho, và chi phí bảo quản xử lý.
Đáng nói, văn bản trên của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chỉ dừng lại ở việc xử lý hàng hóa là xe cơ giới, máy móc thiết bị. Các loại hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cấp thiết cần được xử lý, vẫn chưa được đề cập đến.