Thứ ba 26/11/2024 19:53

Hà Nội: Mỗi làng nghề cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Các làng nghề Hà Nội có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, kèm theo đó là sức ép đối với vấn đề môi trường.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Bà đánh giá như thế nào về những đóng góp của làng nghề đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như của cả nước nói chung trong giai đoạn hiện nay?

Làng nghề là một đặc thù của nông thôn Việt Nam. Tôi đã đi một số nơi, chưa nơi nào mà mật độ, số lượng làng nghề nhiều như làng nghề Việt Nam. Trong đó, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề cao nhất. Loại hình sản xuất của làng nghề cũng rất đa dạng. Đây là những điều rất đặc thù. Và chính sự phát triển của làng nghề nông thôn Hà Nội đã góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực do tận dụng được lao động nông nhàn và lao động thuộc mọi lứa tuổi trong sản xuất ở quy mô nhỏ để làm ra các sản phẩm phi nông nghiệp nhưng lại nằm trong vùng nông nghiệp. Thu nhập bình quân của một lao động làm nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp (thuần nông).

Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)

Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong nội bộ địa phương mà còn phát triển ra các vùng miền, các địa phương khác. Và đến nay, rất nhiều các sản phẩm làng nghề của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đi ra nhiều nước trên thế giới. Rõ ràng, vai trò của làng nghề đối với nông nghiệp Việt Nam đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng được sức lao động, sự sáng tạo của nông dân trong giai đoạn này.

Bên cạnh những kết quả đạt được hiện các làng nghề Hà Nội đang đối diện với những bài toán về bảo tồn và phát triển làng nghề. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Do đặc điểm, đặc thù của làng nghề đó là phát triển tự phát, có cầu thì có cung và giá trị sản xuất của làng nghề đa số xuất phát từ thủ công và cho đến nay có thể kết hợp với một số hoạt động cơ khí nhỏ. Do đó, thiết bị và công nghệ của làng nghề phần lớn là cũ và lạc hậu. Trình độ của người dân làm việc tại các cơ sở sản xuất làng nghề không được đào tạo bài bản mà mang tính truyền miệng, truyền thống. Quan hệ sản xuất của làng nghề là quan hệ mang tính dòng tộc, làng xã chứ không mang tính khu công nghiệp.

Với các đặc điểm trên, dẫn đến làng nghề trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay cũng để lại rất nhiều các bất cập. Việc phát triển tự phát có cầu thì có cung dẫn đến việc có những làng nghề ngày hôm nay đang dệt khăn nhưng một năm sau có khi lại quay sang làm máy tuốt lúa. Nhưng phải nói người dân làng nghề hết sức linh hoạt. Khi có nguồn cung cấp và điều kiện sản xuất là họ phát triển. Do thu nhập của người dân làng nghề cao hơn so với thu nhập của người dân vùng thuần nông. Từ đó, khuyến khích người ta phát triển kinh tế bằng cách làm thêm các nghề phụ.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi –Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là các làng nghề trong thời gian gần đây phát triển không có quy hoạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ kỹ thuật không được đào tạo bài bản. Do đó, tác động xấu đến môi trường. Ô nhiễm môi trường khí do các loại khí không được xử lý. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải sinh ra không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên. Ô nhiễm chất thải rắn chất đầy hai bên đường các làng nghề và tạo nên các nguồn chất ô nhiễm rất lớn. Việc này không chỉ ô nhiễm trong khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận và dẫn đến những xung đột môi trường giữa các nơi.

Giải pháp theo bà cần được đặt ra lúc này là gì?

Sự phát triển của làng nghề nếu không được quy hoạch, không được quan tâm một cách đầy đủ để có thể phát triển bền vững thì sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, cần thiết chúng ta phải có những quy hoạch, phải có những biện pháp bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững và phải lựa chọn những loại hình nào phù hợp với quy mô làng nghề để đưa vào quy hoạch phát triển. Còn đối với những làng nghề không nằm trong quy hoạch và là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì cần có các biện pháp không cho phát triển cũng như nhân rộng. Đây là những việc mà chúng ta cần phải làm trong thời gian tới.

Một điều rất rõ ràng là môi trường làng nghề Hà Nội chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và có các hành động cụ thể tích cực góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất.

Việc xây dựng những chính sách phù hợp với đặc thù của làng nghề là điều hết sức cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề nhằm góp phần phát triển làng nghề bền vững.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích ưu đãi tài chính cho các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường làng nghề. Kêu gọi các nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, các quỹ bảo vệ môi trường cho việc đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm và truyền thông môi trường.

Trong số 176 cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, đã có 49 cụm xây dựng hạ tầng, cấp phép hoạt động cho 5.870 dự án, bình quân đạt 800m2/dự án, trong đó có 2.000 dự án đã hoạt động. Theo Sở Công thương Hà Nội, quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ (7,4ha/cụm), thậm chí có cụm diện tích 1 ha, lại dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Một trong những giải pháp đối với việc bảo tồn và phát triển các làng nghề được đặt ra đối với Hà Nội đó là phát triển làng nghề gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP. Theo bà, giải pháp này mang lại những lợi thế cũng như hiệu quả gì?

Đây là những giải pháp rất tích cực, việc này sẽ tạo nên nguồn tiêu thụ các sản phẩm từ làng nghề. Nếu một làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận thì khả năng được biết đến, được các nơi đặt hàng sẽ tăng lên. Việc này sẽ giúp cho các làng nghề phát triển. Tuy nhiên, việc này cần lồng ghép trong điều kiện sản phẩm OCOP này phải được sản xuất ở khu vực mà đảm bảo chất lượng môi trường, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Đối với phát triển làng nghề gắn với du lịch thì sao thưa bà?

Đây là một hướng rất hay của Việt Nam. Chúng tôi đã đi một số làng nghề ở một số địa phương không chỉ ở Hà Nội. Tôi thấy hoạt động du lịch mà gắn với việc tham quan đến các làng nghề là một hướng đi rất tốt. Bởi đa số các sản phẩm làng nghề mang tính đặc sản của địa phương, đặc sản của dân tộc. Do đó, khi khách du lịch trong và ngoài nước đến với một cơ sở làng nghề, được chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm đấy và nếu như cho họ tham gia một vài công đoạn đơn giản để tạo ra sản phẩm và mang về thì rất tốt. Tôi rất khuyến khích, rất ủng hộ xu hướng phát triển du lịch làng nghề và coi như đấy là một hình thức nhằm phát triển làng nghề bền vững.

Xin cám ơn bà!

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: bảo vệ môi trường

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ thu ngân sách năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển