Hà Nội kỳ vọng tạo đột phá thu hút đầu tư FDI
Hà Nội kỳ vọng tạo đột phá thu hút đầu tư |
Dẫn đầu thu hút FDI với hơn 6 tỷ USD
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 10 tháng đầu năm 2018, dự kiến toàn thành phố thu hút khoảng 6,3 tỷ USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2017, Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (thứ 2 là TP. Hồ Chí Minh, thứ 3 là Bà Rịa - Vũng Tàu). Cụ thể, cấp mới 492 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 5,18 tỷ USD, trong đó có tính 2 dự án sản xuất màng OPC của Misubishi Chemical tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, vốn đầu tư 92 triệu USD và Dự án SYM Catavi Complex, vốn đầu tư 105 triệu USD. Tăng vốn 140 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 727 triệu USD, chấp thuận góp vốn mua cổ phần của 543 nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp (DN) Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 440 triệu USD (bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ).
Đáng chú ý, sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội vươn mình mạnh mẽ thu hút FDI. Lũy kế đến tháng 9/2018, TP. Hà Nội có 4.375 dự án, vốn đầu tư đăng ký lũy kế đến nay đạt 33,8 tỷ USD. Tạp chí tài chính nổi tiếng thế giới Financial Times gần đây nhất đánh giá, Hà Nội đứng vị trí thứ 17 trong các thành phố thu hút nhất thế giới. Xét theo lĩnh vực đầu tư vào Hà Nội, đến nay, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (10,8 tỷ USD - chiếm 32,3%), công nghiệp chế biến chế tạo (7 tỷ USD - chiếm 21%), thông tin và truyền thông (3,75 tỷ USD - chiếm 11,2%), dịch vụ xây dựng (2,6 tỷ USD - 7,7%), dịch vụ thương mại (1,86 tỷ USD - 5,6%),...
Tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - nhận định: Sau 30 năm thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn FDI – với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội thời gian qua của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
FDI chính là một kênh thu hút vốn quan trọng trong tổng đầu tư xã hội. Nguồn vốn FDI chiếm một tỷ trọng đáng kể, trung bình khoảng 10-15% trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của thành phố trong những năm qua (trung bình đạt 1,11%). Bên cạnh đó, các dự án FDI cũng đã đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố. Số thu ngân sách đã tăng dần đều qua các năm, năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 12-13% so với số thu trên địa bàn.
Một điều không thể không nói tới, đó là các DN FDI đã góp phần quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong một số lĩnh vực, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Cùng với đó, các DN FDI với công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh và trình độ quản lý cao hơn hẳn so với các DN trong nước - đã là một kênh chuyển giao công nghệ đặc biệt.
Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… được cộng đồng DN và các tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Với chủ trương tiếp tục định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng bền vững.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc - nhận định, thời gian qua, số lượng các dự án đầu tư vào Hà Nội tăng nhanh, cùng với đó là việc thành lập nhiều DN mới. Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản, Hàn Quốc... đang tích cực dịch chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam và đây là cơ hội để Hà Nội tiếp nhận thêm nguồn đầu tư nước ngoài.
Chú trọng nâng cả lượng và chất
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành tựu trong thu hút FDI 30 năm qua của TP. Hà Nội đã được khẳng định. Tuy nhiên, với TP. Hà Nội, điều quan trọng không chỉ là thu hút được bao nhiêu vốn FDI mà phải làm sao phát huy hiệu quả của dòng vốn này. Thủ tục hành chính về đầu tư đã mở, thông thoáng, cho phép nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư rất dễ dàng. Vì vậy, để đảm bảo các dự án được triển khai đúng các nội dung, cam kết đã đăng ký, cần tăng cường công tác quản lý dự án sau cấp phép. Để triển khai trên thực tế, cần có sự nỗ lực của thành phố cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Về phía Hà Nội, sẽ tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các DN, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội cũng sẽ tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho DN. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến DN đều có thể thực hiện trên môi trường mạng như: đăng ký thành lập DN, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm…
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chú trọng cải cách hành chính, cắt giảm phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực cho nhà đầu tư, DN. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy trên toàn thành phố với quan điểm thu gọn đầu mối quản lý; một việc - một đầu mối xuyên suốt và phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện” để phục vụ DN và người dân.
TP. Hà Nội tiếp tục định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia; khuyến khích các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…
Với chủ trương này, Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng bền vững.