Hà Nội: Đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử toàn cầu
Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố có thể xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua TMĐT toàn cầu. Bà có thể chia sẻ cụ thể về việc này?
Năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Amazon Global Selling… tổ chức Hội thảo “TMĐT xuyên biên giới với Amazon - Cơ hội xuất khẩu cho DN Việt”. Hội nghị với sự tham gia của gần 300 DN đã kết nối và đang có nhu cầu kết nối, xuất khẩu hàng hóa vào kênh bán lẻ trực tuyến của Amazon.
Sau hội nghị, đã có một số DN đã kết nối được với hệ thống của Amazon và đã xúc tiến xuất khẩu được một số mặt hàng vào hệ thống của Amazon đi một nước của châu Âu, châu Mỹ.
Nắm vững kiến thức để bán hàng trực tuyến thành công (ảnh Cấn Dũng) |
Người bán hàng Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh mẽ thông qua bán hàng trên Amazon. Cụ thể, người bán hàng đã ghi nhận doanh số tăng gấp 3 lần, vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2020, đóng góp một phần vào chỉ tiêu xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Các DN khi tham gia chương trình này rất phấn khởi. Ngoài những kênh xuất khẩu truyền thống bằng các đơn hàng ký kết, qua kênh TMĐT xuyên biên giới Amazon, hàng hóa của các DN được quảng bá sâu rộng ở trên tất cả các nước trên thế giới để người tiêu dùng có thể biết đến và lựa chọn mua sắm sản phẩm.
Bên cạnh đó, với việc được hướng dẫn bán hàng trên các cửa hàng của Amazon, các DN có thể giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới.
Ngày 28/4 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xuất khẩu hàng Việt ra thế giới cùng Amazon”. Tại hội thảo này, chúng tôi ghi nhận sự tham gia của hơn 200 DN đã kết nối và đang có nhu cầu kết nối, xuất khẩu hàng hóa vào kênh bán lẻ trực tuyến của Amazon. Chứng tỏ, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của các DN Việt Nam qua kênh TMĐT là rất lớn và rất cần thiết.
Bởi Amazon là một trong những kênh TMĐT dẫn đầu thế giới. Thông qua Amazon, DN có cơ hội quảng bá sản phẩm đến hơn 300 triệu tài khoản người mua từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo bà, tiềm năng và cơ hội cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể xuất khẩu trên kênh TMĐT xuyên biên giới này là gì?
Xu hướng hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì TMĐT xuyên biên giới đang trở thành công cụ không thể thiếu đối với DN để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của DN và là xu hướng tất yếu, từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng và phương thức kinh doanh của DN.
Việc bán hàng qua các sàn TMĐT cũng là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương mại riêng của mình. Từ đó, đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |
TP. Hà Nội với 95% DN là nhỏ và vừa trên tổng số 330.000 DN. Hiện nay, tỷ trọng các DN vừa và nhỏ xuất khẩu chiếm khoảng 25 - 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội. Do đó, xuất khẩu qua hệ thống Amazon rất phù hợp với các loại hình DN này.
Bởi lẽ, các DN vừa và nhỏ có thể mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư, chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.
Để hỗ trợ cho các DN trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua kênh TMĐT xuyên biên giới, sắp tới đây, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh TMĐT xuyên biên giới Amazon. Chúng tôi rất kỳ vọng qua các đợt hỗ trợ như tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các DN vừa và nhỏ của TP. Hà Nội sẽ hiểu rõ và nắm bắt được những quy trình, thủ tục, các quy định. Đồng thời, được tư vấn để thường xuyên làm mới sản phẩm của mình trên hệ thống. Từ đó, có thể gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thị trường thế giới. Đây sẽ là giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo, tư vấn giúp DN nâng cao được năng lực chào hàng trực tuyến, xúc tiến được sản phẩm hàng hóa của mình thông qua kênh TMĐT Amazon, từ đó, mở ra cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng.
Những lưu ý đối với DN để có thể đưa hàng hóa xuất khẩu thành công trên kênh TMĐT xuyên biên giới Amazon là gì, thưa bà?
Trên thực tế, các DN vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng hóa lên kênh TMĐT xuyên biên giới Amazon riêng và TMĐT xuyên biên giới nói chung. Bởi lẽ, các DN như tôi đã nói chủ yếu là các DN vừa và nhỏ. Do đó, việc am hiểu các quy định thông lệ quốc tế, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa, cũng như các giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp… còn hạn chế.
Trong khi đó, để xúc tiến xuất khẩu qua hệ thống này thì phải hoàn thiện toàn bộ các hồ sơ, chứng từ nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí theo hệ thống của Amazon. Do đó, các DN phải chuyển đổi mình để làm sao có thể đáp ứng đầy đủ các quy định xuất khẩu qua hệ thống này.
Xin cảm ơn bà!
Năm 2021, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 5% so với thực hiện năm 2020; giai đoạn 2021 - 2021, dự kiến chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 20,4 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu của Hà Nội là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu trên, bên cạnh việc xuất khẩu truyền thống thì xuất khẩu qua kênh TMĐT như Amazon, Alibaba… là rất cần thiết. |