Hà Nội cải tạo chung cư cũ: Người dân quan tâm gì?
Cải tạo bộ mặt đô thị
Mới đây, UBND quận Đống Đa đã tổ chức Hội nghị công khai lấy ý kiến của cộng đồng đối với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo các khu tập thể: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng và Hào Nam.
Theo đại diện UBND quận Đống Đa, các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng là các khu tập thể xây dựng đầu tiên của cả nước, giai đoạn 1960-1970 với tổng diện tích 60ha, quy mô dân số hiện trạng 30.000 người nằm ở phía Đông - Nam quận. Khu vực này được kết nối với các trục giao thông quan trọng gồm: tuyến phố Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc; kết nối giữa tuyến đường Vành đai 1 và Vành đai 2; tiếp giáp tuyến sông Lừ, hệ thống thoát nước.
Khu tập thể B13 Kim Liên qua thời dài sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Tuấn |
Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, hiện tại, dự án mới dừng ở bước lấy ý kiến quy hoạch chi tiết 1/500. Các vấn đề người dân quan tâm như hệ số K (phương án đền bù), hỗ trợ tạm cư, vị trí tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư và tiến độ dự án sẽ được giải đáp chi tiết hơn tại các hội nghị tiếp theo, sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Hương (Kim Liên, Hà Nội) cho biết, việc cải tạo chung cư cũ không còn là câu chuyện của riêng chính quyền, mà đang trở thành mong mỏi, trăn trở của hàng vạn người dân Thủ đô. Hầu hết người dân đều đồng thuận với chủ trương này, khao khát một cuộc sống an toàn và tiện nghi hơn.
“Tôi mừng lắm khi nghe tin chung cư mình được cải tạo. Sống ở đây mấy chục năm rồi, chứng kiến chung cư xuống cấp từng ngày. Chỉ mong có một nơi ở khang trang, an toàn hơn cho con cháu”, bà Hương chia sẻ.
Không chỉ bà Hương, nhiều người dân tại các khu chung cư cũ đều bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương cải tạo của thành phố. Người dân cho rằng, đây là việc “nên làm càng sớm càng tốt”. Nhiều người còn bày tỏ hy vọng được tái định cư tại chính nơi mình đã gắn bó, trong những tòa nhà mới khang trang, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tiện ích.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận ấy cũng có những băn khoăn khi không ít người lo lắng về phương án đền bù, quyền lợi khi di dời hay chất lượng của nơi tái định cư.
“Nhà tôi có 2 thế hệ ở chung, giờ cải tạo xong mà không đủ diện tích, hay bị chuyển đi nơi khác thì cũng bất tiện”, chị Ngọc Anh (Kim Liên, Hà Nội) trăn trở.
Tuy nhiên, chị Ngọc Anh cũng tin tưởng đây là chủ trương đúng đắn. “Hà Nội ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, mấy khu tập thể này cũ kỹ quá rồi. Chúng tôi chỉ mong được ở trong những căn hộ mới, có thang máy, có chỗ đỗ xe rộng rãi, các con có chỗ vui chơi đẹp", chị Ngọc Anh nói.
Phối cảnh khu tập thể Kim Liên sau cải tạo. Ảnh: UBND quận Đống Đa |
Bên cạnh đó, chị Ngọc Anh cho rằng, tiến độ triển khai dự án cũng là một mối quan tâm lớn. Những dự án cải tạo chung cư cũ trước đây thường kéo dài, gây ra không ít phiền toái cho người dân trong thời gian chờ đợi.
“Chúng tôi mong muốn lần này, mọi thủ tục sẽ được thực hiện nhanh chóng, minh bạch để người dân sớm được an cư lạc nghiệp trong những ngôi nhà mới”, chị Ngọc Anh bày tỏ.
Chủ trương đúng đắn, người dân mong ngóng từng ngày
Giữa lòng Thủ đô, những khu chung cư cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng như một lát cắt ngược dòng thời gian. Từ Giảng Võ, Thành Công đến Kim Liên, Trung Tự và Khương Thượng…, hàng nghìn căn hộ xây dựng từ hàng chục năm trước đang oằn mình trước thời gian và sức nặng của nhu cầu sống hiện đại. Những mảng tường bong tróc, hệ thống điện, nước lâu năm…, tất cả không chỉ phản ánh sự xuống cấp của hạ tầng, mà còn là hồi chuông báo động về sự an toàn cho hàng vạn cư dân.
Trước thực trạng này, chủ trương cải tạo chung cư cũ của thành phố Hà Nội được xem là bước đi cấp thiết, đúng hướng và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Hầu hết cư dân tại các khu chung cư cũ đều cho biết, việc cải tạo là không thể chần chừ thêm.
Không chỉ lo lắng cho sự an toàn, nhiều người dân còn mong mỏi có một cuộc sống mới khang trang, tiện nghi hơn. Những tòa nhà mới không chỉ là nơi ở, mà còn là cơ hội thay đổi về không gian sống, hạ tầng, môi trường. Điều này càng khiến chủ trương cải tạo chung cư cũ trở nên hợp lòng dân và được ủng hộ mạnh mẽ. Khi niềm tin được đặt đúng chỗ, sự đồng thuận sẽ chuyển hóa thành sức mạnh thúc đẩy quá trình cải tạo nhanh chóng, hiệu quả.
Cải tạo chung cư cũ không chỉ là việc xây lại những khối bê tông, mà là tái thiết lại niềm tin, cơ hội chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Điều đó chỉ thành hiện thực khi người dân không còn phải ngóng chờ, mà thực sự thấy mình được đồng hành trong từng bước đi của thành phố.
Trên địa bàn quận Đống Đa có số lượng nhà chung cư cũ cao nhất thành phố với 12 khu gồm 517 nhà; chiếm diện tích 184,9ha bằng 18,6% diện tích đất tự nhiên, số dân khoảng 57.700 người bằng 15,6% dân số toàn quận. Để từng bước thực hiện hiệu quả việc cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác cải tạo chung cư cũ quận đang "chạy đua" với thời gian để tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như kiểm định đánh giá chất lượng sử dụng nhà chung cư cũ, lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, tái thiết xây dựng lại các khu chung cư. |