Thứ tư 27/11/2024 05:21

Hà Nội: Bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh tại các trường học

Dịch đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) đang bùng phát tại Hà Nội, đặc biệt lây lan nhanh trong các trường học.

Số ca đau mắt đỏ gia tăng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trên địa bàn Hà Nội hiện nay, tình trạng các bệnh nhân đau mắt đỏ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nguy cơ bệnh lây lan nhanh trong các trường học. Nguyên nhân, một phần do thời điểm bùng dịch trùng với thời điểm trẻ trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, tăng khả năng tiếp xúc gần, làm dịch bệnh lây lan mạnh.

Chị Đỗ Ngọc Linh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, chị có 2 con theo học ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, trước đó vài ngày, con trai chị học lớp 1 có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, ngày hôm sau thì mẹ và anh trai đã có triệu chứng tương tự.

Nguy hiểm hơn, những người tiếp xúc gần tỉ lệ lây nhiễm cũng rất cao. Việc bị đau mắt đỏ đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của gia đình chị. Hiện gia đình chị vẫn tiếp tục điều trị theo phác đồ của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chị Lê Thanh Huyền, trú ở Cầu Giấy, Hà Nội cùng con trai cũng bị đau mắt đỏ

Tương tự, chị Lê Thanh Huyền, trú ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, con trai chị học tại Trường tiểu học Dịch Vọng A cũng vừa bị đau mắt đỏ. Chị Huyền cho biết, khả năng con trai chị lây từ một số bạn ở lớp. Hiện lớp con trai chị có đến khoảng 6-7 học sinh trong lớp cùng bị đau mắt.

Phiền toái là, không chỉ con bị mà còn lây sang cho mẹ và ông bà. Mẹ thì nghỉ làm ở nhà, con thì nghỉ học. Chị Huyền cũng quan ngại, lo lắng không biết có biến chứng gì nguy hiểm hay không.

Đặc biệt, nhiều trường cũng đã đưa ra khuyến cáo tới các cha mẹ học sinh về một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh. Chị Lê Thanh Huyền thông tin thêm, theo phổ biến của nhà trường, các lớp đã tuyên truyền tới các phụ huynh cần khử khuẩn tay thường xuyên, nhắc nhở các con đeo khẩu trang, vệ sinh mắt, mang nước uống riêng.

Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng vừa đưa ra khuyến cáo về việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Công văn của trường nêu rõ, hiện nay, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có xu hướng gia tăng nhiều. Bệnh có triệu chứng như ngứa mắt, chảy nước mắt, cộm mắt, đau mắt, mắt đỏ, mi sưng, có ghèn mắt...

Bệnh đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng nhưng rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội đề nghị cha mẹ học sinh, học sinh thực hiện tốt các biện pháp theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng.

Các bệnh viện gia tăng bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ

Tại một số bệnh viện chuyên khoa, số bệnh nhi đến khám vì đau mắt đỏ gia tăng. Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 trung bình mỗi ngày tiếp nhận 200 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ, số ca biến chứng vào giác mạc tăng đột biến. Mỗi ngày Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 40 - 50 trẻ có biểu hiện của viêm kết mạc cấp, trong đó 80% trường hợp là do Adenovirus.

Đại diện Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số ca đau mắt đỏ tăng đột biến khoảng một tháng nay, chủ yếu ở trẻ trong độ tuổi mầm non (dưới 5 tuổi). Có gia đình có bốn, năm người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường rồi về nhà lây cho người thân.

Theo đó, bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát từ ba đến bảy ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh-vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn).

Chị Đỗ Ngọc Linh cùng 2 con trai bị đau mắt đỏ.

Cách nào đề phòng biến chứng?

PGS, TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Đau mắt đỏ nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).

Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc). Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp đặc biệt là trường hợp bệnh nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Các bác sĩ cũng lưu ý, ngoài những triệu chứng thông thường của viêm kết mạc cấp do Adenovirus, dịch đau mắt đỏ trong năm nay diễn biến khá lạ. Thực tế, bệnh kéo dài hơn và có những triệu chứng nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt… Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.

Ngọc Linh
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở mức cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau

Người trẻ tranh thủ 'làm mát cơ thể' trước mùa deadline cuối năm

Không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100% khi khám sức khỏe lái xe

Giải Golf Suntory PepsiCo gây quỹ gần 3 tỷ đồng cho bệnh nhi ung thư

Quảng cáo thổi phồng 'trị đái tháo đường bằng 1 liệu trình' lừa dối người bệnh

Hà Nội: Thu hồi thuốc viên nén Prednisolon 5mg vì vi phạm chất lượng sản phẩm

Bộ Y tế trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Thầy thuốc trẻ ứng dụng AI tư vấn, khám bệnh cho hơn 1,1 triệu người dân

Thủ tướng yêu cầu 6 tháng tới hoàn thành Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2

Vướng mắc khiến thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế họp khẩn với 300 đơn vị

Làm gì giúp tân sinh viên giảm căng thẳng, vui đến trường mỗi ngày?

Loạn 'lang băm', 'thần y' quảng cáo bài thuốc gia truyền trên mạng xã hội

Tháng 10, cả nước xảy ra 1.850 vụ tai nạn giao thông

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy lùi ‘gánh nặng’ viêm màng não

Bộ Y tế giải trình việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế bác thông tin 'sử dụng muối i-ốt gây bệnh cường giáp'

Nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử: Chuyên gia khuyến nghị gì cho Việt Nam?

TP. Hồ Chí Minh: Phòng khám Mary và hàng loạt cơ sở bị tước giấy phép khám chữa bệnh