Các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết |
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Đậu năm 2017, dự báo nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia nước giải khát, hàng hóa thiết yếu… sẽ tăng mạnh. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng gạo trung bình là 82.600 tấn/tháng, dự kiến tháng Tết có thể lên 88.000 tấn. Hiện tại, nguồn cung gạo đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đối với thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng khoảng 12.800 tấn lợn hơi/tháng, dự kiến tháng Tết có thể lên 15.300 tấn. Hiện, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân Hà Nội. Nhu cầu thịt bò dự kiến tháng Tết cũng tăng lên 4.600 tấn, sản lượng bò hơi xuất chuồng trên địa bàn đáp ứng khoảng 18% nhu cầu của nhân dân. Đối với thịt gà, nhu cầu có thể tăng lên 6.400 tấn. Nhu cầu thủy hải sản khoảng 5.500 tấn, rau, củ quả khoảng 83.300 tấn…
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa. Theo đó, dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn ước đạt 23.130 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết năm 2016. Đối với các chợ - kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân thủ đô, các Ban quản lý chợ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa thiết yếu để đưa ra tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết, bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng. Dự kiến, lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 680 tỷ đồng.
Do Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến sớm hơn những năm trước, nên ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn thành phố căn cứ dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2017, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10- 15% so với các tháng trong năm để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hàng hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa sau Tết. Đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện Chương trình bình ổn giá bảo đảm dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa đã đăng ký và có kế hoạch dự trữ các mặt hàng khác phục vụ Tết, bảo đảm ổn định giá cả theo giá đã đăng ký với Sở Tài chính, sẵn sàng đưa ra tiêu thụ trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị…
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ hàng hóa hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. |