Hà Giang: Năm 2025 sẽ có 80% xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm
Hà Giang có 19 dân tộc anh em. Cùng với việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Giang xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng. Việc duy trì các lớp xóa mù chữ là một trong những giải pháp căn cơ giúp huyện nâng cao trình độ dân trí. Qua đó, nâng cao trình độ dân trí nhất là trong giao tiếp, trong sản xuất, dần dần cải thiện đời sống, góp phần phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ở tỉnh.
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, để công tác xóa mù chữ hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Ban, ngành, hội và các cấp chính quyền địa phương vận động những người còn mù chữ, tái mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Hiện nay, tổng số lớp xóa mù chữ đã mở được là 103 lớp, trong đó lớp xóa mù chữ 54 lớp với 1.119 học viên; lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ 49 lớp với 1.163 học viên.
Hiện nay, các lớp học dành cho người lớn tuổi sáng điện mỗi tối đã không còn xa lạ ở các bản vùng cao trong tỉnh. Các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ liên tục được mở đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho người dân. Ngành GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể có nhiều biện pháp huy động các đối tượng trong độ tuổi tham gia các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
Hoạt động học tập của học sinh trường PTDT bán trú Tiểu học Lũng Phìn, Đồng Văn. |
Các huyện, thành phố thực hiện tốt việc duy trì, củng cố và giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS. Chủ động mở các lớp xóa mù chữ và vận động những người đã học xóa mù chữ tiếp tục học các lớp giáo dục sau khi biết chữ để củng cố vững chắc kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ. Chú trọng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thường xuyên tuyên truyền, vận động học sinh đi học, tăng cường các biện pháp duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học. Nhiều huyện đã hỗ trợ ngành Giáo dục thuê dịch vụ nhập liệu phần mềm phổ cập giáo dục như huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang. Ngoài ra các huyện còn huy động được kinh phí xã hội hóa để xây dựng trường lớp, trang bị đồ dùng dạy học như huyện Đồng Văn huy động được trên 10,6 tỷ đồng; huyện Hoàng Su Phì huy động được trên 2,8 tỷ đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã phối hợp với Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) triển khai dạy thực nghiệm Chương trình xóa mù chữ theo Thông tư 33. Theo đó, tổng số lớp dạy thực nghiệm là 2 lớp với số tiết dạy thực nghiệm là 10 tiết tại trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học xã Chiến Phố và Trường Tiểu học xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, số giáo viên tham dạy 10 giáo viên
Các giáo viên nghiên cứu nội dung chương trình bài học và soạn giáo án phù hợp với đối tượng học viên; linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như các loại hạt, củ quả và sử dụng cả tiếng dân tộc để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.
Nội dung kiến thức của bài học đáp ứng được mục tiêu của môn học, phản ánh được yêu cầu đối với học viên từng trình độ, phù hợp với thực tiễn dạy học ở địa phương. Nội dung chương trình xóa mù chữ mới tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
Hiện toàn tỉnh Hà Giang có 193/193 xã đạt chuẩn xóa mù chữ. Trong đó 33 xã đạt chuẩn mức độ 1, có 160 xã đạt chuẩn mức độ 2, so với cùng kỳ năm trước tăng 13 xã. Đối với cấp huyện có 05 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 06 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (gồm huyện Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và thành phố Hà Giang), tăng 02 huyện so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ những nỗ lực lớn, đến nay, tỷ lệ người trong độ tuổi biết chữ tăng hơn so với cùng kỳ năm trước cụ thể: Độ tuổi dân số từ 15-25 tăng 0,66%, độ tuổi từ 15-35 tăng 0,71%, độ tuổi từ 15- 60 tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước.
Xác định xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng
Hà Giang luôn xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, theo đó Sở Giáo dục và Đào tạo phấn đấu đến năm 2025 duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; 80% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Ngày hội Tiếng Anh Tiểu học cấp thành phố Hà Giang năm học 2020-2021 |
Để thực hiện được mục tiêu đó, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ của các cấp, giao nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chỉ đạo, đặc biệt là Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội khuyến học, đến tận gia đình làm công tác tư tưởng, vận động những người mù chữ tham gia lớp học.
Xây dựng Chương trình ký kết về công tác Xóa mù chữ với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tỉnh Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh (xóa mù chữ cho phạm nhân).
Phối hợp tuyên truyền cho hội viên của các hội và đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới trong địa bàn đồn biên phòng đóng quân còn mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Từ tháng 9 hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức điều tra, rà soát số người mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở số liệu đã điều tra, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp cùng các ban, ngành của xã vận động người còn mù chữ, tái mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng người mù chữ, tái mù chữ.
Thực hiện thống kê trên phần mềm quản lý phổ cập giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số liệu thống kê đảm bảo tính chính xác theo từng độ tuổi, từng thôn bản.
Các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách công tác xóa mù chữ, đầy đủ, đảm bảo mỗi xã phường đều có một cán bộ chuyên trách. Các lớp xóa mù chữ được mở một cách linh hoạt theo từng thôn bản gắn với trách nhiệm của các trường tiểu học và trung tâm học tập cộng đồng.
Thời gian tổ chức các lớp học phù hợp với sự bố trí sắp xếp của số đông học viên xóa mù chữ. Khuyến khích học sinh tiểu học, THCS về nhà hướng dẫn cha mẹ, người thân còn mù chữ tham gia học xóa mù chữ và nói tiếng phổ thông để củng cố kết quả biết chữ.
Các giáo viên được phân công dạy lớp xóa mù chữ nhiệt tình, có phương pháp dạy học phù hợp với người lớn. Kịp thời nắm bắt và triển khai Chương trình dạy xóa mù chữ mới. Một số cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy thực nghiệm Chương trình xóa mù chữ của Bộ.
Các trung tâm học tập cộng đồng đã chủ động phối hợp với các trường tiểu học trên cùng địa bàn vận động người còn mù chữ và tái mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ nhằm đảm bảo các tiêu chí công nhận đạt chuẩn hàng năm.