Thứ tư 25/12/2024 00:32

Hà Giang mưa lớn kéo dài gây ngập úng, nhiều tuyến đường sạt lở

Do ảnh hưởng của bão số 3, đêm ngày 8 rạng sáng 9/9, mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ và sạt lở nhiều tuyến đường ở Hà Giang.

Theo đó, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to khiến nhiều địa phương, đặc biệt là 2 huyện vùng thấp Bắc Quang và Quang Bình bị ngập lụt cục bộ, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến hàng chục nhà ở, hàng trăm ha lúa của người dân.

Hiện trên các sông, suối của tỉnh mực nước đang tiếp tục dâng lên cao. Theo thống kê, rà soát ban đầu, tại huyện Bắc Quang, mưa lớn đã gây ảnh hưởng 58 nhà ở, một số nhà bị tốc mái, sạt lở; nước lũ gây ngập úng cục bộ 100 ha lúa, hoa màu, nặng nhất là ở các xã Đồng Yên, Đông Thành; cuốn trôi 4.500 con gà; thiệt hại trên 10 ha ao nuôi thủy sản; các tuyến đường liên thôn thuộc xã Đồng Yên cũng bị ngập úng, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân.

Tại huyện Quang Bình, mưa lớn cũng gây ngập úng cục bộ tại các xã vùng thấp như: Vĩ Thượng, Xuân Giang, Bằng Lang, Hương Sơn, Yên Hà, thị trấn Yên Bình. Trong đó, nhà ở của hộ ông Hoàng Văn Lợi, thôn Quyền, xã Xuân Giang bị thiệt hại do sạt lở ta luy dương. Nhiều ha lúa đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông, vào chắc bị đổ ngã. Cầu tràn trung tâm xã Bằng Lang bị nước lũ cuốn trôi làm cho tuyến tỉnh lộ 183 bị chia cắt, người và phương thiện không thể lưu thông được.

Ngoài ra, mưa lũ đã gây sạt lở nhà ở, các tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Dự báo trong những giờ tới, toàn tỉnh vẫn có mưa vừa, mưa to đến rất to, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp, địa hình sườn đất dốc.

Trong khi đó, khoảng 1h20 sáng ngày 9/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Giang đã phát đi thông báo cảnh báo lũ trên sông Lô. Cụ thể, mực nước trên sông Lô lúc 1h sáng 9/9 tại trạm Hà Giang là 99 m (ở mức báo động - BĐ I), trạm Bắc Quang là 66.05 m (dưới mức BĐ I), trạm Vĩnh Tuy là 44.48 m (dưới mức BĐ I).

Dự kiến, mực nước trên sông Lô sẽ tiếp tục tăng ở mức BĐ I - BĐ II và có nơi trên BĐ II.

Đến rạng sáng 9/9, nhiều nơi trên địa bàn Hà Giang ghi nhận tình trạng mưa lớn gây ngập úng cục bộ. Tại huyện Bắc Quang, mưa lũ khiến nhiều hộ dân tại xã Đồng Yên, Việt Vinh, Đông Thành bị ảnh hưởng. Tại Trường THCS Đồng Yên, hệ thống phòng học bị ngập nặng.

Nhiều diện tích hoa màu đã gần tới vụ thu hoạch của bà con tại các huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang chìm trong biển nước.

Mưa lớn cũng gây ngập úng, sạt lở tại một số tuyến đường. Cụ thể, tại Km140 QL4C, đồi thông Đồng Văn sạt lở đất đá khiến cây cối đổ ngang đường, việc di chuyển rất khó khăn. Tại Km26 (đoạn qua xã Nậm Ty) đi Hoàng Su Phì, đất đá sạt lở với khối lượng lớn khiến các phương tiện không thể lưu thông. Tại Km70 QL34 (đoạn qua xã Yên Phong, huyện Bắc Mê) bị ngập gây ách tắc giao thông cục bộ.

Trước tình hình trên, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân không nên lưu thông qua các đập tràn, suối và không đi qua các điểm sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng.

Một số hình ảnh mưa lũ ở Hà Giang:

Ngập trong nhà dân ở thôn Phố Cáo, thị trấn Đồng Yên, huyện Bắc Quang. Ảnh: Nguyễn Hùng
Vào khoảng 3-4h sáng 9/9, nước lũ dâng nhanh qua các khe, suối làm ngập đường, tràn vào nhà dân ở thôn Phố Cáo, thị trấn Đồng Yên, huyện Bắc Quang. Người dân trong thôn Phố Cáo đã thông báo cho nhau và hỗ trợ chạy lũ; rất may không có thiệt hại về người. Ảnh: Nguyễn Hùng
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng và lũ ngập hàng chục hộ dân ở thôn Phố Cáo, thị trấn Đồng Yên, huyện Bắc Quang. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trường THCS Đồng Yên ngập sâu, học sinh phải nghỉ học. Ảnh: Đăng Minh
Điểm sạt lở tại Km140 trên QL4C. Ảnh: Đăng Minh
Tại Km26 đường đi Hoàng Su Phì sạt lở đất đá với khối lượng lớn. Ảnh: Đăng Minh
Tuyến đường liên xã Liên Hiệp - Hữu Sản (Bắc Quang) bị sạt lở gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Ảnh: Phương Thùy
Sạt lở gây ách tắc giao thông tại km26 thuộc Tỉnh lộ 177, địa phận xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Ảnh: Nguyễn Yếm
Đường thôn Hậu Cấu, xã Xín Mần (Xín Mần) bị sụt lún, hư hỏng nặng. Ảnh: Văn Long
Đất, đá tràn vào nhà ở của một số hộ dân tại thôn Bờ Sông, xã Xín Cái (Mèo Vạc). Ảnh: Trần Kế
Nước sông Lô dâng cao khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: Thế Học

Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khoảng từ ngày 7-9/9, khu vực tỉnh Hà Giang có khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 80-180 mm, có nơi trên 250 mm (đặc biệt ở khu vực vùng núi thấp và vùng phía Tây của tỉnh). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, taluy, ven các công trình xây dựng...

Để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo:

Các huyện, thành phố; các sở, ngành của tỉnh; các cơ quan, đơn vị tạm dừng các cuộc họp không thật cấp bách và không cần thiết; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3; trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão, mưa lớn.

Các huyện, thành phố; các sở, ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo ứng phó với bão số 3 tại Công văn số 2899/UBND-KTTH ngày 5/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, nhất là cho trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và của Nhà nước.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/7 và nắm bắt thông tin tại cơ sở, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa bão, đặc biệt là trùng vào hai ngày nghỉ cuối tuần để kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó theo tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương.

Sở Công Thương tổ chức kiểm tra, giám sát điều tiết lũ tại các hồ chứa thủy điện để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định và quy trình vận hành liên hồ chứa; đáp ứng được điều tiết lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến bão, mưa bão, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động đôn đốc các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các huyện, thành phố triển khai ứng phó, khắc phục kịp thời.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hà Giang

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Sóc Trăng: Nhiều điểm sáng trong hoạt động của ngành Công Thương năm 2024

Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả mô hình truyền thanh số

Hòa Bình sẽ xử lý cán bộ buông lỏng quản lý về an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Đồng Tháp: 3 địa phương không chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2025

Cần Thơ: Dự kiến hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho 114 cán bộ dôi dư do tinh gọn

Đồng Tháp thu hút đầu tư 66 dự án, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng

Hiệu quả vận hành hồ Thủy điện A Vương trong mùa mưa lũ năm 2024

Gia Lai: Học sinh hào hứng với nhiều trải nghiệm thú vị khi được hoá thân thành chiến sĩ

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững