Cả nước sẽ rực sáng pháo hoa đêm Giao thừa Tết Giáp Ngọ Tết Giáp Ngọ: Hệ thống điện cả nước an toàn ổn định |
Qua tiết Đại hàn 16 tháng Chạp âm lịch mà lại có nắng ấm, cây cối đã đổi màu, lác đác có cây đơm hoa khoe sắc.
Trong tiết xuân ấy, không khí chính trị hân hoan, vùng tự do được mở rộng, thắng lợi qua đợt giảm tô và nhất là cải cách ruộng đất đang tiến hành ở một vài xã thí điểm đã tạo ra đà sinh lực mới cho nông dân - đội quân chủ lực của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Nhưng sôi động hơn cả vẫn là quân dân ta đang hối hả mở chiến dịch lớn ở Tây Bắc, trung và hạ Lào... Đâu đâu cũng xôn xao khí thế như đợt tổng phản công sắp mở ra sau 8 năm cầm cự - phòng ngự gian khổ.
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương sinh hoạt chính trị tại khu di tích lịch sử Bộ Công Thương, tỉnh Tuyên Quang Ảnh: TCCT |
Văn phòng Bộ Công Thương lúc đó trụ giữa hai huyện Chiêm Hóa và Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) - rất gần "Chủ tịch phủ", (ước khoảng 2 giờ đạp xe đạp hoặc hơn giờ đi ngựa đường rừng), cũng sôi động ngay từ đầu tháng 11/1953 bởi tin vui dồn dập báo về. Sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng cao: Giấy Lửa Việt, giấy Hoàng Văn Thụ rồi thuốc lá Cẩm Thủy, đường thô Quảng Ngãi (ở liên khu 5), đường cát Thanh Nghệ, vải diềm bâu, nông cụ cầm tay... đã đạt chỉ tiêu năm 1953 từ cuối quý 3, thậm chí có mặt hàng có thể tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng của năm cũ.
Trên mặt trận mua - bán, anh Hoàng Quốc Thịnh - Giám đốc Sở Mậu dịch Trung ương - sớm có "sớ" nhanh: Các chi, sở mậu dịch đều coi trọng đẩy hàng nông - lâm sản về xuôi; buôn bán với nước bạn ở 2 cửa khẩu có tiến bộ rõ rệt, dung lượng hàng hóa giao lưu tăng 3 - 4 lần. Về cơ bản, thực hiện được yêu cầu: Dân vùng tự do có đủ cơm ăn, đủ muối, dầu thắp sáng, giấy đi học... và cả thuốc lào Kiến An nằm trong "hạn ngạch phải có" cho bộ đội, dân công hỏa tuyến...
Lao vào công việc cuối năm rồi tất cả cho tiền tuyến đã cuốn hút mọi người đôi khi quên cả xuân đang đến, Tết sắp về. Thế rồi ngày ông Công, ông Táo cũng đã cận kề, đích thân Phó Bộ trưởng Đặng Việt Châu sau cuộc họp chuyên môn đã cho "chỉ thị" vui xuân đón Tết Giáp Ngọ 1954 của cơ quan Bộ ít nhất cũng như Tết 8 mùa kháng chiến đã qua. Bí thư Đảng đoàn cơ quan Bộ lạc quan: "Có thể, Tết này là Tết cuối cùng chúng ta ăn Tết ở nơi gió ngàn...".
Giữ vững và nâng cao "nếp nhà", bữa cơm đại đoàn kết chiều 29 tết (năm đó, tháng Chạp thiếu) kéo dài đến sáng, tất cả mọi người, kể cả vợ con nhiều đồng chí đi theo kháng chiến đều có mặt ở đại bản doanh Bộ, "vui như Tết" tham dự. Với cây nhà lá vườn: Gà, vịt, thỏ, lợn rồi đủ các loại rau, củ, quả tăng gia của các hộ gia đình, bộ phận cơ quan... đã khiến cỗ đầy ứ có ngọn. Các chi sở mậu dịch khu 3, khu 4, Chi sở Hà Giang... gửi cho cả thuốc lá Cô-Táp, Bát tô ... Tổ chức biên mậu nước bạn cũng gửi tặng táo, nho khô, đường và cả pháo hồng, bộ bài tú-lơ-khơ. Các ké trong bản gần kề cũng được phép cho mươi chai "cay cay, nồng nồng". Đặc biệt, tài nữ công gia chánh của các chị em, không ít các chị xuất thân từ gia đình trâm anh, thế phiệt khiến cỗ Tết rất to, hấp dẫn, có nhiều món mứt, giò...
Sau phần ẩm thực là chương trình văn nghệ, ba cháu trai đầu của Bộ trưởng Phan Anh mở đầu bằng bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh...", cháu lớn Phan Trúc Long sau đánh đàn hát, còn hóm hỉnh "nì hảo, nị hảo và kha-ra-xô", cháu Long sau này là nhà vật lý lý thuyết có tên tuổi và là con rể Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nối tiếp các cháu biểu diễn văn nghệ là các tiết mục chèo, dân ca quan họ, ví dặm Nghệ Tĩnh và cả cải lương Nam bộ... Tất cả mọi người, ai biết gì về văn hóa - văn nghệ đều được trổ tài. Kết thúc đêm giao thừa là màn nhẩy son-đố-mì tập thể "thắm thiết tình Việt - Trung - Xô..." không ai muốn dứt, muốn dừng.
Đúng theo thông lệ, 8 giờ sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ (nhằm ngày thứ Tư, mùng 3 tháng 2 năm 1954), mọi người ăn mặc tươm tất đứng trước bàn thờ Tổ quốc, ông Nguyễn Phạm Quyền đóng bộ complet với mũ phớt đúng như vai nhà buôn hồi trước cách mạng của ông, ông Nguyễn Thượng Hòa - cán bộ “vật giá” lại khăn xếp, áo the… Sau quốc ca, lãnh tụ ca, suy tôn tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ…, Bộ trưởng Phan Anh đọc thư và thơ chúc tết năm mới của Bác Hồ:
“… Quân và dân ta nhất chí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông.
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.
Bộ trưởng đọc vừa dứt, mọi người ôm nhau hoan hô nhiệt liệt. Rồi sau đó là thơ của Bộ trưởng, lẩy Kiều của Bộ trưởng về thơ Bác... Theo đúng kế hoạch, ngày mùng 1 và cả ngày mùng 2 Tết (năm đó, mùng 2 là tiết lập xuân), mọi người chia thành nhiều đoàn đi chúc Tết các cơ quan bạn cách đó “vài con dao”, chúc Tết các già bản và vui Tết cùng bà con các dân tộc ở những bản cận kề.
Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, trải qua hầu hết các Tết kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bộ Kinh tế và Bộ Công Thương, nhưng Tết 1954 còn đọng mãi trong tôi- cái Tết báo hiệu Việt Nam sẽ làm chấn động địa cầu và “nên vành đai đỏ nên thiên sử vàng” như đã được báo trước. |