"Đau lòng, xấu hổ…", là những lời lẽ được thốt ra của nhiều người khi đọc được thông tin về đoàn khách du lịch Pháp từ TP. Hồ Chí Minh vào Kon Tum nhưng bị từ chối phục vụ. Trên đường quay lại, thay vì thăm quan buôn làng thì họ phải dừng chân "check in" ở rừng cao su… Qua tình huống này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả những gì trước đó ngành du lịch xây dựng và mong đợi được chào đón, phục vụ du khách.
Ứng xử chuyên nghiệp trong khủng hoảng là cơ hội để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi |
Nhiều ý kiến cho rằng, phòng chống dịch là việc ưu tiên hàng đầu, nhưng nếu có cách xử lý chuyên nghiệp, có sự phối hợp giữa địa phương, DN gửi khách, thì mọi việc sẽ tốt hơn. Việc các địa phương, DN cung cấp dịch vụ điểm đến đồng loạt hành xử, từ chối phục vụ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả xấu khi dịch kết thúc, đó là hình ảnh điểm đến Việt Nam bị méo mó, tiêu cực trong mắt du khách. Theo Ông Nguyễn Tường Lân – Giám đốc Công ty Du lịch Nam Cường, nếu chúng ta không bình tĩnh xử lý một cách phù hợp sẽ gây hệ lụy đến thị trường khách rất lớn, do mỗi năm khách chỉ có kế hoạch đến một quốc gia một lần. Vì vậy, chúng ta từ chối không khéo sẽ mất luôn nguồn khách đã có kế hoạch đến Việt Nam sau này.
Theo thống kê, lượng khách du lịch quốc tế tại nhiều địa phương vẫn còn rất lớn, trong đó tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lào Cai, Bình Thuận. Riêng tại Bình Thuận, có 6.484 khách du lịch quốc tế; còn tại Sa Pa (Lào Cai), từ ngày 8-14/3, địa phương này đã đón 11.316 khách du lịch đến từ 69 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Để ngăn chặn tình trạng kỳ thị du khách, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ra thông báo khẩn sẽ xử lý nghiêm các hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ du khách.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là động thái quyết liệt, kịp thời, để chấn chỉnh các hành vi thiếu chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã gửi tâm thư tới du khách buộc phải cách ly hay không được thăm quan, đón tiếp tại địa phương. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng có thư gửi tới du khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đề nghị du khách quốc tế hợp tác phòng, chống dịch; thể hiện sự hiếu khách và quyết tâm của thành phố trong việc bảo vệ an toàn cho du khách và kỳ vọng sẽ tiếp tục được khách tin tưởng, lựa chọn cho những kỳ nghỉ sau…
Sở Du lịch Quảng Bình, trước khi đưa ra quyết định tạm dừng đón khách, giám đốc đơn vị này cũng đã bày tỏ trong tâm thư, vì mục đích cao cả là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho cộng đồng, mong được du khách thấu hiểu và nhận được sự hợp tác về phòng, chống dịch. Đồng thời, vị lãnh đạo ngành du lịch Quảng Bình còn tư vấn đến du khách nên sử dụng các dịch vụ ăn uống tại nơi lưu trú, hạn chế đi đến những địa điểm đông người, những khu vực chưa sẵn sàng phục vụ an toàn trong điều kiện nghi vấn có dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát tình hình khách du lịch nước ngoài; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm quy định của Luật Du lịch về việc không phân biệt, đối xử đối với khách du lịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài. |