Giao đồ ăn trực tuyến: Bùng nổ thương hiệu mới
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, ngày càng nhiều nhà hàng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, bán đồ ăn cho khách thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động. Không ít nhà hàng thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển sang bán hoàn toàn trên kênh trực tuyến. Hình thức này tiết kiệm chi phí mặt bằng mà vẫn đảm bảo nguồn thu.
Dịch vụ giao đồ ăn nhanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn |
Tại Hà Nội, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Foody, Lozi…, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều ứng dụng giao đồ ăn mới, gần đây nhất là sự góp mặt của ứng dụng Baemin. Dù mới tiến vào Hà Nội khoảng 1 tháng, Baemin đã nhanh chóng “phủ sóng” thị trường với lượng tài xế giao đồ ăn hùng hậu.
Cùng với sự nở rộ của các ứng dụng gọi xe, dịch vụ giao nhận đồ ăn là cách để các công ty tận dụng tối đa các đối tác tài xế và lượng khách hàng nhất định ở mảng gọi xe. Hầu hết các hãng xe công nghệ đều tích hợp dịch vụ giao đồ ăn vào ứng dụng của mình. Grab có Grab Food, Gojek có Go-Food. Hiện nay tại Việt Nam, Grab Food là ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất với 79% người dùng.
Dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện dụng cao. Với một ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dùng có thể tiếp cận với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà hàng, món ăn ở khắp nơi. Công cụ tìm kiếm thông minh hỗ trợ gợi ý xem nhanh thông tin giúp khách hàng đặt đồ ăn nhanh chóng và tiện lợi.
Theo đại diện của Gojek Việt Nam, khi các dịch vụ mang lại tiện ích cho người tiêu dùng, họ sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ đó. Đây là nhu cầu tăng cao khi cuộc sống càng ngày càng bận rộn hơn. Thêm vào đó, tại Việt Nam, lực lượng xe 2 bánh cực kỳ đông đảo và phục vụ cho nhiều dịch vụ khác nhau: Di chuyển, giao hàng… Do đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến.
Sự bùng nổ của thị trường này tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh. Các công ty đang bước vào cuộc chạy đua để thu hút khách hàng, đặc biệt là các “tân binh” trên thị trường. Các đơn vị nhắm đến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng.
Đối với khách hàng của các ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến, đa số đều xét đến các yếu tố như: Tính đa dạng của quán ăn, món ăn, mã ưu đãi được áp dụng, trải nghiệm về dịch vụ giao hàng… Đó là lý do mà các đơn vị cung cấp dịch vụ đang hướng đến tối ưu ứng dụng và tăng ưu đãi để khách hàng được hưởng lợi.
Hiện nay, các ứng dụng đều triển khai các chương trình giảm giá dịch vụ, miễn phí vận chuyển, ưu đãi khi khách hàng thanh toán trực tuyến, phối hợp với các nhà hàng để đưa ra chương trình giảm giá món… Cùng với đó là nâng cao tiện ích của ứng dụng. Các địa điểm ăn uống được cập nhật liên tục mang đến những thông tin, gợi ý hữu ích nhất cho người dùng. Ứng dụng cung cấp đầy đủ các yếu tố như loại hình, mục đích, món ăn, giá cả… với tính năng sàng lọc tốt giúp khách hàng tiết kiệm thời gian. Ngoài ra các công ty cũng tìm giải pháp tăng lượng tài xế, rút ngắn thời gian giao hàng.
Theo các chuyên gia, lượng người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đang tăng mạnh, dự kiến đạt 9,5 triệu người dùng trong năm 2020. |