Giảm phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng?
Thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải, trong đó có giảm phát thải khí nhà kính.
Triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp.
Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon dựa trên việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường chia sẻ về hiện trạng phát thải khí nhà kính và hiện trạng xây dựng thị trường carbon trong nước. Ảnh: Cấn Dũng |
Hiện nay, nhiều quốc gia đã tham gia vào thị trường carbon để đạt được mục tiêu trung hoà carbon. Thị trường giao dịch khí thải quốc tế đầu tiên trên thế giới của Liên minh châu Âu đã đi vào vận hành từ năm 2005. Ở Việt Nam, những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên đã được nhen nhóm từ năm 2018, tuy nhiên mới chỉ tập trung vào năng lượng tái tạo, thuỷ điện.
Tham luận tại Hội thảo “Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức” do Báo Công Thương tổ chức ngày 25/12, bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) đã trình bày hiện trạng phát thải khí nhà kính và hiện trạng xây dựng thị trường carbon trong nước.
Theo bà Đặng Hồng Hạnh, ngành năng lượng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, đây cũng là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng phát thải toàn cầu. Các doanh nghiệp năng lượng, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, đang đứng trước áp lực phải thay đổi mô hình hoạt động để hướng tới sự phát triển bền vững.
Từ đánh giá phát thải của 2.166 cơ sở theo lĩnh vực sản xuất, theo bà Đặng Hồng Hạnh, hai lĩnh vực đứng đầu là nhiệt điện (32%) và xi măng (25%), tiếp đến là sắt thép (18%); nhựa và cao su (5%); vật liệu xây dựng (3%)… Tuy vậy, Giám đốc điều hành VNEEC cho rằng, một tín hiệu tích cực trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy, có 57,38% doanh nghiệp đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính và 27,85% doanh nghiệp đã có kế hoạch, trong khi chỉ có 14,77% chưa có kế hoạch.
“Bình Dương là một trong những tỉnh có số doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí thải nhiều nhất, sau đó là Đồng Nai… Điều này phản ánh hiện trạng phát thải của các địa phương này. Ở miền Bắc có Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng là những địa phương có số doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê lớn…”, bà Đặng Hồng Hạnh chỉ ra.
Thông tin thêm, Giám đốc điều hành VNEEC nêu, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) với sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các cuộc khảo sát về sự sẵn sàng và hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường carbon.
Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia. Ảnh: Pixabay |
Bà Đặng Hồng Hạnh cho biết, VNEEC đã khảo sát 537 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải và giao thông trên cả nước có phát thải ước tính trên 10.000 tấn CO2 tương đương.
Đây là những doanh nghiệp dự kiến tham gia vào giai đoạn thí nghiệm thực hiện Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) ở Việt Nam trong 1.912 doanh nghiệp có nghĩa vụ phải báo cáo về kiểm kê khí nhà kính theo quyết định Thủ tướng Chính phủ.
Từ kết quả khảo sát cho thấy, số doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn khá hạn chế, chiếm 32,07%, trong số đó chủ yếu thuê bên thứ 3 kiểm kê; còn lại phần nhiều tự làm kiểm kê. 57,38% doanh nghiệp đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, còn 27,85% đã có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính và 14,77% chưa có kế hoạch.
“Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp nói rằng đang chuẩn bị, có nghĩa là vẫn chưa thực hiện”, bà Đặng Hồng Hạnh nói.
Theo Giám đốc điều hành VNEEC, hiểu biết của doanh nghiệp về ETS và thị trường carbon còn quá ít. Chỉ có 53,16% doanh nghiệp có nghe qua về ETS và thị trường carbon nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản; 16,03% doanh nghiệp không hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động; 26,16% doanh nghiệp có biết qua về nguyên tắc hoạt động cơ bản nhưng không hiểu được sự khác nhau giữa ETS và thị trường carbon; 3,38% doanh nghiệp hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động cũng như sự khác nhau giữa chúng, chỉ 1,27% doanh nghiệp hiểu rõ cách ETS và thị trường carbon hoạt động, sự khác nhau cũng như tương tác của chúng trên sàn giao dịch carbon.
“Điều này cho thấy, nhu cầu về đào tạo ETS và thị trường carbon rất lớn”, bà Đặng Hồng Hạnh lưu ý.
Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong tìm hiểu về vấn đề này khá cao. Phần lớn doanh nghiệp mong muốn được tham gia các khoá đào tạo về ETS, tìm hiểu kiến thức về mục tiêu giảm phát thải carbon…
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Đi cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường cũng đạt được những kết quả khá tích cực.
Về phía Bộ Công Thương, với trách nhiệm là một bộ kinh tế đa ngành, quản lý 2 lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và thương mại, Bộ luôn quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022; Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và ngày 14/6/2024... Bên cạnh đó, bộ cũng đã nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng; chuyển dịch năng lượng; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; ứng dụng khoa học công nghệ giảm phát thải; kiểm kê khí nhà kính…
Đặc biệt, đối với giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon, trong kế hoạch triển khai Chỉ thị số 13/CT-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ cùng các nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.